Thời gian trích khấu hao xe ô tô cũ được xác định như thế nào theo quy định của pháp luật hiện nay?

Tôi có câu hỏi là thời gian trích khấu hao xe ô tô cũ được xác định như thế nào? Cụ thể như sau: doanh nghiệp mua xe ô tô cũ của cá nhân (xe ô tô 4 chỗ cũ mua lại với giá 1 tỷ 5, giá bán mới 100% là 2 tỷ). Câu hỏi của anh Đ.L đến từ Đồng Nai.

Doanh nghiệp mua xe ô tô cũ của cá nhân thì thanh toán tiền xe chi tiền mặt có được xem là chi hợp lý không?

Căn cứ Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC, được sửa đổi bởi Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC như sau:

Các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế
1. Trừ các khoản chi không được trừ nêu tại Khoản 2 Điều này, doanh nghiệp được trừ mọi khoản chi nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
b) Khoản chi có đủ hoá đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật.
c) Khoản chi nếu có hoá đơn mua hàng hoá, dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá đã bao gồm thuế GTGT) khi thanh toán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
2. Các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế bao gồm:
2.2. Chi khấu hao tài sản cố định thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.
b) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không có giấy tờ chứng minh thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp (trừ tài sản cố định thuê mua tài chính).
c) Chi khấu hao đối với tài sản cố định không được quản lý, theo dõi, hạch toán trong sổ sách kế toán của doanh nghiệp theo chế độ quản lý tài sản cố định và hạch toán kế toán hiện hành.
d) Phần trích khấu hao vượt mức quy định hiện hành của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định.
đ) Khấu hao đối với tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị.
e) Một số trường hợp cụ thể được xác định như sau:
– Không được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế: Phần trích khấu hao tương ứng với nguyên giá vượt trên 1,6 tỷ đồng/xe đối với ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống (trừ: ô tô dùng cho kinh doanh vận tải hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn; ô tô dùng để làm mẫu và lái thử cho kinh doanh ô tô); phần trích khấu hao đối với tài sản cố định là tàu bay dân dụng, du thuyền không sử dụng kinh doanh vận chuyển hàng hóa, hành khách, kinh doanh du lịch, khách sạn.

Như vậy, theo quy định trên thì khoản chi được đưa vào chi phí hợp lý thì cần phải thỏa mãn 3 điều kiện sau:

– Khoản chi liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

– Khoản chi có hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

– Khoản có giá trị thanh toán từng lần từ 20 triệu đồng trở lên thì phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trường hợp này bên chị mua xe ô tô cũ với giá trị 1,5 tỷ đồng thì chắc chắn phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, nếu như bên chị thanh toán bằng tiền mặt thì toàn bộ chi phí khấu hao của tài sản cố định (xe ô tô) này sẽ bị loại.

Thời gian trích khấu hao xe ô tô cũ được xác định như thế nào?

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định:

Xác định nguyên giá của tài sản cố định:
1. Xác định nguyên giá tài sản cố định hữu hình:
a) TSCĐ hữu hình mua sắm:
Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm (kể cả mua mới và cũ): là giá mua thực tế phải trả cộng (+) các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại), các chi phí liên quan trực tiếp phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: lãi tiền vay phát sinh trong quá trình đầu tư mua sắm tài sản cố định; chi phí vận chuyển, bốc dỡ; chi phí nâng cấp; chi phí lắp đặt, chạy thử; lệ phí trước bạ và các chi phí liên quan trực tiếp khác.

Căn cứ khoản 2 Điều 10 Thông tư 45/2013/TT-BTC quy định:

Xác định thời gian trích khấu hao của tài sản cố định hữu hình:
2. Đối với tài sản cố định đã qua sử dụng, thời gian trích khấu hao của tài sản cố định được xác định như sau:
Thời gian trích khấu hao của TSCĐ = (Giá trị hợp lý của TSCĐ/Giá bán của TSCĐ cùng loại mới 100% hoặc của TSCĐ tương đương trên thị trường) x Thời gian trích khấu hao của TSCĐ mới cùng loại xác định theo Phụ lục 1 (ban hành kèm theo Thông tư này)
Trong đó: Giá trị hợp lý của TSCĐ là giá mua hoặc trao đổi thực tế (trong trường hợp mua bán, trao đổi), giá trị còn lại của TSCĐ hoặc giá trị theo đánh giá của tổ chức có chức năng thẩm định giá (trong trường hợp được cho, được biếu, được tặng, được cấp, được điều chuyển đến ) và các trường hợp khác.

Theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 45/2013/TT-BTC thì thời gian trích khấu hao mới của xe ô tô là từ 6 đến 10 năm.

Giả sử thời gian trích khấu hao công ty lựa chọn là 6 năm, thì thời gian trích khấu hao đối với ô tô cũ trong trường hợp này sẽ xác định như sau:

Thời gian trích khấu hao = (1 tỷ/2 tỷ) x 6 = 3 năm.

Tương tự như vậy, tùy vào thời gian trích khấu hao công ty lựa chọn thời gian nào trong khung từ 6 đến 10 năm thì sẽ xác định được thời gian trích khấu hao ô tô cũ công ty đã mua tương ứng.

Hợp đồng mua bán xe ô tô có cần công chứng không?

Cụ thể tại khoản 2 Điều 11 Thông tư 24/2023/TT-BGTVT có quy định như sau:

Giấy tờ của xe
2. Chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, gồm một trong các giấy tờ sau đây:
a) Dữ liệu hóa đơn điện tử được hệ thống đăng ký, quản lý xe tiếp nhận từ cổng dịch vụ công hoặc cơ sở dữ liệu của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp xe chưa có dữ liệu hóa đơn điện tử thì phải có hóa đơn giấy hoặc hóa đơn được chuyển đổi từ hóa đơn điện tử sang hóa đơn giấy theo quy định của pháp luật;
b) Quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe, chứng từ tài chính của xe theo quy định của pháp luật. Văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe của cá nhân phải có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác (đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác);

Theo quy định trên thì Quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe, chứng từ tài chính của xe theo quy định của pháp luật. Văn bản về việc bán, tặng cho, thừa kế xe của cá nhân phải có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác.

Như vậy, hợp đồng bán xe của cá nhân phải có xác nhận công chứng hoặc chứng thực theo quy định.