Công ty hợp danh muốn kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì cần có tối thiểu bao nhiêu kiểm toán viên hành nghề?

Cho tôi hỏi công ty hợp danh muốn kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì cần có tối thiểu bao nhiêu kiểm toán viên hành nghề? Công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán có được đặt cơ sở kinh doanh ở nước ngoài không? Câu hỏi của anh L từ Bình Thuận.

Công ty hợp danh muốn kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì cần có tối thiểu bao nhiêu kiểm toán viên hành nghề?

Điều kiện đối với công ty hợp danh muốn kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:

Điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán
2. Công ty hợp danh khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên hợp danh;
c) Người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc của công ty hợp danh phải là kiểm toán viên hành nghề;
3. Doanh nghiệp tư nhân khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật;
b) Có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó có chủ doanh nghiệp tư nhân;
c) Chủ doanh nghiệp tư nhân đồng thời là Giám đốc.

Như vậy, theo quy định, công ty hợp danh muốn kinh doanh dịch vụ kiểm toán thì phải có ít nhất năm kiểm toán viên hành nghề, trong đó tối thiểu phải có hai thành viên hợp danh.

Công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán có được đặt cơ sở kinh doanh ở nước ngoài không?

Quyền của công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định tại khoản 1 Điều 28 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:

Quyền của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam
1. Doanh nghiệp kiểm toán có các quyền sau đây:
a) Cung cấp các dịch vụ quy định tại Điều 40 của Luật này;
b) Nhận phí dịch vụ;
c) Thành lập chi nhánh kinh doanh dịch vụ kiểm toán;
d) Đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm toán ở nước ngoài;
đ) Tham gia tổ chức kiểm toán quốc tế, tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán;
e) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến nội dung kiểm toán; yêu cầu kiểm kê tài sản, đối chiếu công nợ của đơn vị được kiểm toán có liên quan đến nội dung kiểm toán; kiểm tra toàn bộ hồ sơ, tài liệu có liên quan đến hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;
g) Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài chính có liên quan đến đơn vị được kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá trình thực hiện kiểm toán;

Như vậy, theo quy định trên thì công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán có quyền đặt cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểm toán ở nước ngoài.

Công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán trong trường hợp nào?

Nghĩa vụ của công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán được quy định tại khoản 12 Điều 29 Luật Kiểm toán độc lập 2011 như sau:

Nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam
11. Chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước khách hàng về kết quả kiểm toán theo hợp đồng kiểm toán đã giao kết.
12. Chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán:
a) Có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán;
b) Có hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và cơ sở lập báo cáo tài chính là các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.
13. Từ chối thực hiện kiểm toán khi xét thấy không bảo đảm tính độc lập, không đủ năng lực chuyên môn, không đủ điều kiện kiểm toán.
14. Từ chối thực hiện kiểm toán khi khách hàng, đơn vị được kiểm toán có yêu cầu trái với đạo đức nghề nghiệp, yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ hoặc trái với quy định của pháp luật.
15. Tổ chức kiểm toán chất lượng hoạt động và chịu sự kiểm toán chất lượng dịch vụ kiểm toán theo quy định của Bộ Tài chính.
16. Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định, công ty hợp danh kinh doanh dịch vụ kiểm toán phải chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán:

– Có lợi ích liên quan trực tiếp đến kết quả kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại ngày ký báo cáo kiểm toán;

– Có hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và cơ sở lập báo cáo tài chính là các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

– Đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên báo cáo tài chính đã kiểm toán.