Các doanh nghiệp đã “phù phép” những gì trong BCTC?

Các doanh nghiệp đã “phù phép” những gì trong BCTC?

CÁC MÀN “PHÙ PHÉP” TRONG BÁO CÁO TÀI CHÍNH

Các thủ thuật này chẳng mấy xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam (chỉ để cập tới các thủ thuật hợp pháp và “tuân thủ” theo các chuẩn mực Kế toán. Các hành vi vi phạm pháp luật như cố tình tạo doanh thu khống hay tạo ra các giao dịch ảo không thuộc phạm vi bài viết này).

1, Phù phép lợi nhuận thông qua các ước tính kế toán

Trong quy trình lập báo cáo tài chính các công ty thường phải sử dụng rất nhiều các ước tính kế toán. Giá trị các ước tính này thường có ảnh hưởng trực tiếp tới mức lợi nhuận trong kỳ của công ty. Vì là các ước tính nên không thể có một tiêu chuẩn chính xác về giá trị các khoản mục này. Chính vì vậy, các công ty thường sử dụng các ước tính kế toán như là một công cụ đắc lực để phù phép lợi nhuận.

Một số thủ thuật nhằm phù phép tăng lợi nhuận thường gặp bao gồm: giảm mức khấu hao, giảm mức dự phòng giảm giá hàng tồn kho, giảm dự phòng phải thu khó đòi, không ghi nhận chi phí khi tài sản bị giảm giá xuống dưới giá trị thuần, vốn hoá các khoản chi phí không đủ điều kiện vốn hoá…

Các thủ thuật phù phép lợi nhuận dựa trên các ước tính kế toán nêu trên thực chất không làm tăng thêm lợi nhuận mà chỉ đơn thuần chuyển lợi nhuận từ các kỳ sau về kỳ hiện tại nhằm tạo ra ảo tưởng rằng công ty đang làm ăn phát đạt. Hậu quả tất yếu là lợi nhuận các năm sau sẽ bị giảm sút.

Để tiếp tục đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của thị trường thì báo cáo tài chính các năm tiếp theo cũng sẽ phải được phù phép. Tuy nhiên, càng về sau thì số lợi nhuận cần phù phép càng lớn khiến cho việc sử dụng các ước tính kế toán cũng trở nên vô hiệu, đến khi không thể che dấu được tình hình nữa thì khủng hoảng là điều khó tránh khỏi, và hậu quả khi đó sẽ vô cùng tai hại.

2, Phù phép báo cáo tài chính thông qua các giao dịch thực

Một số công ty phù phép lợi nhuận của mình thông qua việc dàn xếp một số giao dịch nhằm tăng lợi nhuận trong năm hiện tại, mặc dù các giao dịch đó có thể không có lợi cho công ty về lâu dài. Ví dụ: Thổi doanh thu thông qua chính sách giá và chính sách tín dụng

Biện pháp thông thường mà các doanh nghiệp sử dụng để tăng lợi nhuận khi nhận thấy nguy cơ không đạt kế hoạch lợi nhuận dự tính là giảm giá bán hoặc nới lỏng các điều kiện tín dụng nhằm tăng sản lượng hàng bán ra trong những tháng cuối năm tài chính. Biện pháp thứ hai cũng thường được sử dụng đối với những công ty cung cấp các mặt hàng sử dụng lâu dài là công bố kế hoạch tăng giá bán đầu năm sau.

Mặc dù hai biện pháp này cho phép công ty thổi lợi nhuận năm hiện tại, lợi nhuận các năm sau sẽ bị giảm vì thực chất công ty đã chuyển lợi nhuận của năm sau sang năm hiện tại. Biện pháp tăng giá bán năm sau thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn vì việc tăng giá có thể sẽ ảnh hưởng xấu tới khả năng cạnh tranh của công ty trên thị trường.

3, Cắt giảm chi phí hữu ích

Để tăng lợi nhuận, một biện pháp được sử dụng khá nhiều là cắt giảm các khoản chi phí hữu ích như chi phí nghiên cứu phát triển (R&D), chi phí quảng cáo, chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị. Các chi phí này có vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của công ty trong dài hạn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu lợi nhuận ngắn hạn, ban lãnh đạo công ty có thể sẽ chọn giải pháp cắt giảm các chí phí này, đồng nghĩa với việc hy sinh các khoản lợi nhuận tiềm năng lớn trong tương lai.

Tiếp nữa, có thể sử dụng biện pháp trì hoãn việc thanh lý tài sản không có nhu cầu sử dụng hoặc các khoản đầu tư không hiệu quả. Đây là các tài sản doanh nghiệp không có nhu cầu sử dụng nữa hoặc các khoản đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế. Đối với các tài sản và các khoản đầu tư này giải pháp tối ưu là thanh lý càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, việc thanh lý các tài sản này thường đi kèm một khoản lỗ cho công ty trong năm hiện tại.

Do đó, nếu lợi nhuận năm hiện tại có nguy cơ không đạt được mức kỳ vọng của thị trường thì lãnh đạo công ty có thể sẽ không muốn thanh lý chúng, dù rằng việc trì hoãn này sẽ mang lại nhiều thiệt hại cho công ty.

4, Bán các khoản đầu tư có hiệu quả cao

Ngược với việc trì hoãn thanh lý các khoản đầu tư không hiệu quả, công ty có thể bán các khoản đầu tư đang có lãi nhằm tăng thêm mức lợi nhuận cho năm hiện tại (hành động này thường được ví với việc “gặt lúa non”). Áp dụng biện pháp này cũng đồng nghĩa với việc công ty tự nguyện bỏ qua tiềm năng sinh lợi lớn từ các khoản đầu tư này trong các năm tiếp theo.

Có thể thấy rằng cả hai biện pháp phù phép báo cáo tài chính (dựa trên các ước tính kế toán hay các giao dịch thực) về bản chất chỉ là chuyển lợi nhuận từ các năm sau sang năm hiện tại. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp sử dụng ước tính kế toán có thể không đủ giúp doanh nghiệp đạt được mức lợi nhuận kỳ vọng.

Mặt khác, việc lạm dụng các ước tính kế toán có thể sẽ gặp phải trở ngại từ phía các các kiểm toán viên. Trong các trường hợp đó doanh nghiệp có thể buộc phải sử dụng các giao dịch thực nhằm phù phép lợi nhuận (kiểm toán viên dù phát hiện ra hành vi phù phép lợi nhuận dạng này nhưng vì doanh nghiệp không làm gì trái luật nên cũng không thể yêu cầu điều chỉnh).

Tóm lại, cho dù áp dụng biện pháp phù phép nào thì về lâu dài cũng đều không có lợi cho cổ đông cũng như cho chính các vị lãnh đạo công ty. Xét trên phạm vi toàn xã hội thì hậu quả còn nặng nề hơn nữa vì bê bối tài chính liên quan tới một công ty không chỉ ảnh hưởng tới riêng công ty đó mà thường dẫn tới xói mòn lòng tin của các nhà đầu tư đối với toàn bộ thị trường. Để ngăn ngừa những tác động tiêu cực này, giải pháp tối ưu vẫn là các doanh nghiệp cần có ý thức cung cấp thông tin đầy đủ, minh bạch cho các nhà đầu tư. Về phần mình, các nhà đầu tư cũng cần tỉnh táo hơn để không đẩy mọi việc đi quá xa ngoài tầm kiểm soát. Nói thì đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng đồng tình, vì lợi ích ngắn hạn của báo cáo ảo nhiều khi quá hấp dẫn.