Báo cáo tài chính được kiểm toán – FCA ban hành quyết định cho phép các công ty niêm yết hoãn công bố

Báo cáo tài chính được kiểm toán – Công ty niêm yết hoãn công bố BCTC vì dịch Covid-19

Trong cái thời mà thứ hai nào cũng là Black Monday, hội chứng sợ cuối tuần đã lấn át mọi thứ trên thị trường tài chính. Người ta cũng chẳng thèm quan tâm đến các kế hoạch được đưa ra trong các đại hội cổ đông và cũng quên tiệt luôn rằng hôm nay 30/3 là deadline công bố báo cáo tài chính được kiểm toán năm.

Mọi năm thì giờ này truyền thông tập trung vào đưa tin xem anh nào có lợi nhuận sau kiểm toán giảm mạnh hoặc tăng mạnh so với trước kiểm toán, thì giờ còn không cần biết anh nào chưa chịu công bố báo cáo.

Quả thật cái thời điểm này, việc báo cáo tài chính được kiểm toán ra chậm là bình thường rồi, có thể hiểu và thông cảm cho các công ty. Các cơ quan quản lý chưa có quyết định nào gia hạn tổng thể các deadline về báo cáo cần phải tuân thủ, nên các công ty vẫn cứ phải theo. Để lập ra được báo cáo thì không hề đơn giản như mấy anh làm báo cáo thuế. Rất nhiều việc phải làm, từ đối chiếu công nợ, kiểm kê tài sản, xử lý các ước tính, thống nhất các chính sách kế toán, … cho đến cân sao cho vừa mắt. Trong khi nhân sự thì work from home, mọi hoạt động đều hạn chế, giao thương hay con người di chuyển giữa các quốc gia là không thể. Vậy để chuẩn bị cho các báo cáo là rất rất khó khăn.

Vừa qua FCA tại Anh (23/3) và SEC tại Mỹ (4/3) đã ban hành quyết định cho phép các công ty niêm yết hoãn công bố BCTC 2 tuần tại Anh, 45 ngày tại Mỹ, bao gồm cả BCTC Q1/2020. Lý do đưa ra là (1) Để các công ty có thể đánh giá hết tác động của dịch và trình bày trong BCTC nhằm tránh cho giới đầu tư những hành động sai lầm; (2) Giãn thời gian cho các công ty có điều kiện lập báo cáo tài chính tốt hơn và giảm sức ép với các kiểm toán viên.

Xem thử báo cáo tài chính được kiểm toán 2019 đã công bố trong thời kỳ dịch của một số công ty lớn niêm yết. MWG phát hành ngày 3/2. FPT phát hành ngày 3/3. VCB ngày 11/3. SSI ngày 24/3…. Mỗi công ty chịu mức ảnh hưởng nặng nhẹ khác nhau nhưng BCTC được công bố không có bất kỳ câu nào đánh giá tác động của dịch, nhất là trong phần đánh giá rủi ro tác động đến giá trị tài sản và các sự kiện sau kỳ kế toán. Rất nhiều công ty chịu tác động lớn từ dịch thì đến thời điểm này vẫn chưa công bố được BCTC kiểm toán như cặp HVN/VJC, hay HAG, rồi VIC,… Dù sao vẫn còn thời gian đến trước 0:00 hôm nay.

Bên cạnh đó, công ty truyền thông vừa truyền thông bài sẽ trình xoá lỗ luỹ kế bằng thặng dư vốn trong đại hội cổ đông sắp tới. Lấy việc xoá lỗ luỹ kế làm bàn đạp. Kể cả khi trong bài có nói việc xoá lỗ luỹ kế không làm ảnh hưởng gì đến vốn chủ sở hữu thì cái tiêu đề Xoá lỗ, tăng vốn cũng đã có thể có vấn đề. Việc xoá lỗ luỹ kế bằng thặng dư vốn thì Bản chất 2 loại vốn này khác nhau, thặng dư đến từ cổ đông, lỗ/lãi luỹ kế đến từ hoạt động kinh doanh. Chế độ kế toán cũng không có chỗ nào cho phép lấy thặng dư xoá lỗ luỹ kế cả. Lịch sử TTCK đã ghi nhận trường hợp xoá lỗ luỹ kế rất nổi tiếng là MBS (TLS trước đây) đã xoá cả ngàn tỷ lỗ luỹ kế, nhưng bằng cách sáp nhập với một công ty chứng khoán nhỏ khác (VITS).

Câu chuyện BCTC Q1/2020 cũng sẽ là vấn đề nan giải. Khi mà việc lập BCTC cũng đã là trở ngại lớn và gánh nặng đối với các công ty trong mùa dịch. Kết quả kinh doanh Q1 quá yếu cũng sẽ tác động xấu đến thị trường, mặc dù ai cũng có thể lường trước điều này. Có khi Việt Nam cũng nên “bắt chước” UK và Mỹ cho gia hạn lập và công bố BCTC Q1/2020 để các công ty giải quyết 2 vấn đề nêu trên gồm lập BCTC tốt hơn, công bố thông tin phù hợp hơn về tác động của dịch, và giảm sức ép về vấn đề tuân thủ thời hạn công bố BCTC.

Có lẽ chất lượng công bố thông tin vào lúc này có thể là tiêu chí quan trọng đánh giá chất lượng quản trị công ty và lựa chọn cổ phiếu.