Cách nhận biết tài sản cố định vô hình? Chi phí thành lập doanh nghiệp có phải là tài sản cố định vô hình không?

Cách nhận biết tài sản cố định vô hình? Chi phí thành lập doanh nghiệp có phải là tài sản cố định vô hình không?

Cách nhận biết tài sản cố định vô hình? Chi phí thành lập doanh nghiệp có phải là tài sản cố định vô hình không? Nguyên giá tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp được xác định thế nào?

Cách nhận biết tài sản cố định vô hình?

Theo khoản 2 Điều 2 Thông tư 45/2013/TT-BTC giải thích thì tài sản cố định vô hình là những tài sản không có hình thái vật chất, thể hiện một lượng giá trị đã được đầu tư thoả mãn các tiêu chuẩn của tài sản cố định vô hình, tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh, như một số chi phí liên quan trực tiếp tới đất sử dụng; chi phí về quyền phát hành, bằng phát minh, bằng sáng chế, bản quyền tác giả…

Đồng thời, tại khoản 2 Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC có hướng dẫn cách nhận biết tài sản cố định vô hình như sau:

– Mọi khoản chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã chi ra, không hình thành TSCĐ hữu hình và thoả mãn đồng thời cả ba tiêu chuẩn sau đây thì được coi là tài sản cố định vô hình:

+ Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;

+ Có thời gian sử dụng trên 1 năm trở lên;

+ Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy và có giá trị từ 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng) trở lên.

Lưu ý: Những khoản chi phí không đồng thời thoả mãn cả ba tiêu chuẩn nêu trên thì được hạch toán trực tiếp hoặc được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

– Riêng các chi phí phát sinh trong giai đoạn triển khai được ghi nhận là tài sản cố định vô hình tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp nếu thỏa mãn đồng thời bảy điều kiện sau:

+ Tính khả thi về mặt kỹ thuật đảm bảo cho việc hoàn thành và đưa tài sản vô hình vào sử dụng theo dự tính hoặc để bán;

+ Doanh nghiệp dự định hoàn thành tài sản vô hình để sử dụng hoặc để bán;

+ Doanh nghiệp có khả năng sử dụng hoặc bán tài sản vô hình đó;

+ Tài sản vô hình đó phải tạo ra được lợi ích kinh tế trong tương lai;

+ Có đầy đủ các nguồn lực về kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác để hoàn tất các giai đoạn triển khai, bán hoặc sử dụng tài sản vô hình đó;

+ Có khả năng xác định một cách chắc chắn toàn bộ chi phí trong giai đoạn triển khai để tạo ra tài sản vô hình đó;

+ Ước tính có đủ tiêu chuẩn về thời gian sử dụng và giá trị theo quy định cho tài sản cố định vô hình.

 

Chi phí thành lập doanh nghiệp có phải là tài sản cố định vô hình không?

Chi phí thành lập doanh nghiệp được quy định tại Điều 3 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:

Tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định:

3. Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trước khi thành lập doanh nghiệp, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm, chi phí mua để có và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế, giấy phép chuyển giao công nghệ, nhãn hiệu thương mại, lợi thế kinh doanh không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế TNDN.

Theo đó, chi phí thành lập doanh nghiệp không phải là tài sản cố định vô hình mà được phân bổ dần vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp trong thời gian tối đa không quá 3 năm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

 
 

Nguyên giá tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp được xác định thế nào?

Nguyên giá tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp được quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 45/2013/TT-BTC như sau:

Xác định nguyên giá của tài sản cố định:

2. Xác định nguyên giá tài sản cố định vô hình:

d) Tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp:

Nguyên giá TSCĐ vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp là các chi phí liên quan trực tiếp đến khâu xây dựng, sản xuất thử nghiệm phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ đó vào sử dụng theo dự tính.

Riêng các chi phí phát sinh trong nội bộ để doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hoá, quyền phát hành, danh sách khách hàng, chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu và các khoản mục tương tự không đáp ứng được tiêu chuẩn và nhận biết TSCĐ vô hình được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.

Theo đó, nguyên giá tài sản cố định vô hình được tạo ra từ nội bộ doanh nghiệp là các chi phí liên quan trực tiếp đến khâu xây dựng, sản xuất thử nghiệm phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định đó vào sử dụng theo dự tính.

Lưu ý: Đối với các chi phí phát sinh trong nội bộ để doanh nghiệp có nhãn hiệu hàng hoá, quyền phát hành, danh sách khách hàng, chi phí phát sinh trong giai đoạn nghiên cứu và các khoản mục tương tự không đáp ứng được tiêu chuẩn và nhận biết tài sản cố định vô hình thì được hạch toán vào chi phí kinh doanh trong kỳ.