Trong doanh nghiệp bảo hiểm tuyến bảo vệ thứ hai được xây dựng khi nào và thực hiện những nhiệm vụ gì?

Cho tôi hỏi là Doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức quản trị rủi ro với bao nhiêu tuyến bảo vệ? Trong doanh nghiệp bảo hiểm tuyến bảo vệ thứ hai được xây dựng khi nào và thực hiện những nhiệm vụ gì? Câu hỏi của chị M (Hà Nam).

Doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức quản trị rủi ro với bao nhiêu tuyến bảo vệ?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 70/2022/TT-BTC về tổ chức quản trị rủi ro như sau:

Tổ chức quản trị rủi ro

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải tổ chức quản trị rủi ro với 03 tuyến bảo vệ độc lập như sau:

a) Tuyến bảo vệ thứ nhất: Các bộ phận nghiệp vụ, là các bộ phận trực tiếp xác định, tiếp nhận, đánh giá, kiểm soát, báo cáo và theo dõi các rủi ro phát sinh trong hoạt động kinh doanh;

b) Tuyến bảo vệ thứ hai: Bộ phận quản trị rủi ro, bộ phận kiểm soát tuân thủ và các bộ phận khác có chức năng kiểm soát rủi ro đối với hoạt động của tuyến bảo vệ thứ nhất;

c) Tuyến bảo vệ thứ ba: Bộ phận kiểm toán nội bộ.

Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức quản trị rủi ro với 03 tuyến bảo vệ độc lập.

Trong doanh nghiệp bảo hiểm tuyến bảo vệ thứ hai được xây dựng khi nào và thực hiện những nhiệm vụ gì?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 70/2022/TT-BTC thì tuyến bảo vệ thứ hai của doanh nghiệp bảo hiểm được cơ cấu tổ chức xây dựng căn cứ vào quy mô, điều kiện và mức độ phức tạp của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tuyến bảo vệ thứ hai phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ sau:

– Tham mưu cho Tổng giám đốc (Giám đốc) ban hành quy định nội bộ về quản trị rủi ro;

– Phối hợp với các bộ phận nghiệp vụ ở tuyến bảo vệ thứ nhất nhận dạng và theo dõi các rủi ro trọng yếu phát sinh;

– Xây dựng, sử dụng các mô hình đánh giá và đo lường rủi ro để cảnh báo, nhận biết sớm rủi ro và nguy cơ vi phạm các hạn mức rủi ro, đề xuất các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro phát sinh (nếu có);

– Lập kịch bản kiểm tra sức chịu đựng của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đối với các rủi ro;

– Báo cáo định kỳ quý, năm và báo cáo đột xuất cho Tổng giám đốc (Giám đốc) về tình hình quản trị rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài;

– Kịp thời báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài trong trường hợp phát hiện các rủi ro có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn tài chính và hiệu quả hoạt động.

Lưu ý: Báo cáo định kỳ quý phải được gửi không chậm hơn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, báo cáo định kỳ năm phải được gửi không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.

Doanh nghiệp bảo hiểm đo lường mức độ rủi ro dựa trên những cơ sở nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 70/2022/TT-BTC về nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro như sau:

Nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro

Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro bảo đảm kịp thời, chính xác theo quy định sau:

1. Nhận dạng các rủi ro trọng yếu mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có thể gặp phải trong quá trình hoạt động kinh doanh.

2. Đo lường mức độ rủi ro trên cơ sở xác định tác động của rủi ro đó đối với hoạt động, vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Việc đo lường rủi ro được thực hiện bằng các phương pháp, mô hình. Các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro phải được kiểm tra, đánh giá định kỳ về tính chính xác và tính hợp lý theo quy định nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài. Các dữ liệu sử dụng trong các phương pháp, mô hình đo lường rủi ro phải bảo đảm độ tin cậy và khả năng kiểm tra được.

3. Theo dõi trạng thái rủi ro và đánh giá kịp thời, cảnh báo sớm khả năng vi phạm các hạn mức rủi ro, hạn chế nguy cơ xảy ra rủi ro để bảo đảm an toàn trong hoạt động; lập các báo cáo nội bộ về theo dõi rủi ro và gửi đến các cá nhân, bộ phận có liên quan.

Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đo lường mức độ rủi ro dựa trên cơ sở xác định tác động của rủi ro đó đối với hoạt động, vốn và khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm.

Việc đo lường rủi ro được thực hiện bằng các phương pháp và mô hình và phải bảo đảm kiểm tra, đánh giá định kỳ về tính chính xác và tính hợp lý theo quy định nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm.