Báo cáo ý kiến về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia của Kiểm toán nhà nước được chuẩn bị và xây dựng theo trình tự như thế nào?

Cho tôi hỏi là trình tự chuẩn bị và xây dựng Báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia thực hiện như thế nào? Xin cảm ơn. Câu hỏi của anh N.V.M đến từ Tuyên Quang.

Trình tự chuẩn bị và xây dựng Báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia thực hiện như thế nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Hướng dẫn việc chuẩn bị ý kiến của Kiểm toán nhà nước về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia (sau đây gọi chung là Hướng dẫn) ban hành kèm theo Quyết định 1427/QĐ-KTNN năm 2023, trình tự chuẩn bị và xây dựng Báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia thực hiện như sau:

Bước 1: Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.

Đơn vị được Tổng Kiểm toán nhà nước giao chủ trì xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước kế hoạch tổ chức thực hiện trong đó nêu rõ các bước công việc, trách nhiệm các đơn vị phối hợp và thời gian thực hiện.

Bước 2: Thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu.

Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1427/QĐ-KTNN năm 2023.

Bước 3: Đánh giá chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1427/QĐ-KTNN năm 2023.

Bước 4: Xây dựng, hoàn thiện Báo cáo ý kiến của Kiểm toán nhà nước về chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia.

Thực hiện theo quy định tại Điều 8 Hướng dẫn Quyết định 1427/QĐ-KTNN năm 2023.

Lưu ý: Căn cứ theo tình hình thực tế Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ có những yêu cầu và hướng dẫn cụ thể các thủ tục và nội dung các bước công việc thực hiện nêu trên.

Đánh giá chủ trương dự án đầu tư quan trọng quốc gia tập trung vào những nội dung nào?

Căn cứ theo quy định tại Điều 7 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1427/QĐ-KTNN năm 2023, đơn vị chủ trì chuẩn bị ý kiến đánh giá báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia tập trung đánh giá tính tuân thủ, trình tự, thủ tục theo những nội dung sau:

– Việc tuân thủ các quy định về điều kiện quyết định chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

– Việc đáp ứng tiêu chí xác định dự án quan trọng quốc gia.

– Sự cần thiết đầu tư dự án.

– Việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

– Sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

– Những thông số cơ bản của chương trình, dự án, bao gồm mục tiêu, quy mô, hình thức đầu tư, phạm vi, địa điểm, diện tích đất cần sử dụng, thời gian, tiến độ thực hiện, phương án lựa chọn công nghệ chính, giải pháp bảo vệ môi trường, nguồn vốn, khả năng thu hồi vốn và trả nợ vốn vay (nếu có).

– Đánh giá hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững (nếu có).

– Đánh giá sự phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai trong quy hoạch có liên quan, quy hoạch khác có liên quan đến tài nguyên, phương án di dân, tái định canh, định cư đối với dự án quan trọng quốc gia đầu tư trong nước.

– Đánh giá về các giải pháp tổ chức thực hiện dự án: xác định chủ đầu tư (nếu có); hình thức quản lý dự án.

– Đánh giá mức độ rủi ro tại quốc gia đầu tư đối với dự án quan trọng quốc gia đầu tư tại nước ngoài.

– Đánh giá về cơ chế đặc thù đối với dự án (nếu có).

Yêu cầu khung về nội dung Báo cáo ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia có cấu phần xây dựng là gì?

Căn cứ theo quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 8 Hướng dẫn ban hành kèm theo Quyết định 1427/QĐ-KTNN năm 2023 về yêu cầu khung nội dung Báo cáo ý kiến đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án quan trọng quốc gia có cấu phần xây dựng gồm:

– Việc đáp ứng các tiêu chí xác định dự án là dự án quan trọng quốc gia;

– Sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng.

– Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng.

– Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên, trong đó lưu ý đến dự kiến diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cần chuyển đổi mục đích sử dụng để làm dự án đầu tư xây dựng (nếu có)

– Phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.

– Dự kiến thời gian thực hiện dự án.

– Sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có).

– Xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế – xã hội và đánh giá tác động của dự án khi hoàn thành.

– Phương án tổng thể đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, biện pháp bảo vệ môi trường.

– Phân tích, đánh giá sơ bộ tác động về môi trường, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh (nếu có).

– Phân chia các dự án thành phần hoặc tiểu dự án (nếu có).

– Giải pháp tổ chức thực hiện: xác định chủ đầu tư; hình thức quản lý.

– Đối với dự án khu đô thị, nhà ở cần có thuyết minh về:

+ Việc triển khai dự án đầu tư đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển đô thị, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng giai đoạn (nếu có);

+ Sơ bộ cơ cấu sản phẩm nhà ở và việc dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội;

+ Sơ bộ phương án đầu tư xây dựng, quản lý hạ tầng đô thị trong dự án và kết nối với hạ tầng ngoài phạm vi dự án đối với dự án khu đô thị.