Thu nhập từ tiền lương chưa đến mức chịu thuế thu nhập cá nhân là thu nhập như thế nào?
Các khoản thu nhập chịu thuế được quy định tại Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC như sau:
Các khoản thu nhập chịu thuế
…
2. Thu nhập từ tiền lương, tiền công
Thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập người lao động nhận được từ người sử dụng lao động, bao gồm:
a) Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền.
b) Các khoản phụ cấp, trợ cấp, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp sau:
b.1) Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
…
Bên cạnh đó tại Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định về việc khấu trừ thuế như sau:
Khấu trừ thuế và chứng từ khấu trừ thuế
…
i) Khấu trừ thuế đối với một số trường hợp khác
Các tổ chức, cá nhân trả tiền công, tiền thù lao, tiền chi khác cho cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động (theo hướng dẫn tại điểm c, d, khoản 2, Điều 2 Thông tư này) hoặc ký hợp đồng lao động dưới ba (03) tháng có tổng mức trả thu nhập từ hai triệu (2.000.000) đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết (theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế) gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế thu nhập cá nhân.
…
Từ những quy định trên thì thu nhập từ tiền lương chưa đến mức chịu thuế thu nhập cá nhân là khoản thu nhập của người lao động từ 11 triệu đồng trở xuống (dưới 132 triệu đồng/năm – chưa tính giảm trừ đối với người phụ thuộc).
Trường hợp cá nhân cư trú không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng có tổng mức trả thu nhập từ 02 triệu đồng/lần trở lên thì phải khấu trừ thuế theo mức 10% trên thu nhập trước khi trả cho cá nhân.
Nếu người lao động chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập phải làm cam kết gửi doanh nghiệp/ công ty để làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế.
Người lao động cần đáp ứng những điều kiện gì để được hoàn thuế thu nhập cá nhân?
Căn cứ tại Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC thì điều kiện để người lao động được hoàn thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
(1) Đã đăng ký và có mã số thuế tại thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế.
(2) Đối với cá nhân đã ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện quyết toán thay:
– Việc hoàn thuế của cá nhân được thực hiện thông qua tổ chức, cá nhân trả thu nhập.
– Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện bù trừ số thuế nộp thừa, nộp thiếu của các cá nhân.
– Sau khi bù trừ, nếu còn số thuế nộp thừa thì được bù trừ vào kỳ sau hoặc hoàn thuế nếu có đề nghị hoàn trả.
(3) Có đề nghị hoàn thuế gửi cho cơ quan thuế theo đúng quy định và được chấp nhận.
(4) Đối với cá nhân thuộc diện khai trực tiếp với cơ quan thuế có thể lựa chọn hoàn thuế hoặc bù trừ vào kỳ sau tại cùng cơ quan thuế.
Trường hợp cá nhân có phát sinh hoàn thuế thu nhập cá nhân nhưng chậm nộp tờ khai quyết toán thuế theo quy định thì không áp dụng phạt đối với vi phạm hành chính khai quyết toán thuế quá thời hạn.
Đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân hiện nay gồm những đối tượng nào?
Theo Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 thì đối tượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân gồm các đối tượng sau
(1) Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú:
Cá nhân có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
(2) Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
(3) Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định sau:
– Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
– Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.