Tài liệu kế toán của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài có được đưa ra nước ngoài để lưu trữ không?

Tài liệu kế toán của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam có được đưa ra nước ngoài để lưu trữ không? Kế toán trưởng của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài phải có chuyên môn nghiệp vụ thế nào? Câu hỏi của chị V từ Đà Nẵng.

Tài liệu kế toán của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài có được đưa ra nước ngoài để lưu trữ không?

Nơi lưu trữ tài liệu kế toán của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài được quy định tại Điều 11 Nghị định 174/2016/NĐ-CP như sau:

Nơi lưu trữ tài liệu kế toán

1. Tài liệu kế toán của đơn vị nào được lưu trữ tại kho của đơn vị đó. Đơn vị kế toán phải đảm bảo có đầy đủ thiết bị bảo quản và bảo đảm an toàn trong quá trình lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đơn vị không tổ chức bộ phận hoặc kho lưu trữ tại đơn vị thì có thể thuê tổ chức, cơ quan lưu trữ thực hiện lưu trữ tài liệu kế toán trên cơ sở hợp đồng lưu trữ theo quy định của pháp luật.

2. Tài liệu kế toán của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chi nhánh và văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam trong thời gian hoạt động tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đã được cấp phải được lưu trữ tại đơn vị kế toán ở Việt Nam hoặc thuê tổ chức lưu trữ tại Việt Nam thực hiện lưu trữ tài liệu kế toán. Khi kết thúc hoạt động tại việt Nam, người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định nơi lưu trữ tài liệu kế toán trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Theo quy định, tài liệu kế toán của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian hoạt động tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh đã được cấp phải được lưu trữ tại đơn vị kế toán ở Việt Nam hoặc thuê tổ chức lưu trữ tại Việt Nam thực hiện lưu trữ tài liệu kế toán.

Khi kết thúc hoạt động tại việt Nam, người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định nơi lưu trữ tài liệu kế toán trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, trong thời gian hoạt động tại Việt Nam thì tài liệu kế toán của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài phải được lưu trữ tại Việt Nam.

Khi kết thúc hoạt động tại việt Nam, người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định nơi lưu trữ tài liệu kế toán trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài có được lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử không?

Tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử được quy định tại Điều 10 Nghị định 174/2016/NĐ-CP như sau:

Tài liệu kế toán lưu trữ trên phương tiện điện tử

1. Chứng từ kế toán và sổ kế toán của các đơn vị kế toán trước khi đưa vào lưu trữ phải được in ra giấy để lưu trữ theo quy định trừ trường hợp đơn vị lựa chọn lưu trữ trên phương tiện điện tử. Việc lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải đảm bảo tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

Các đơn vị trong lĩnh vực kế toán nhà nước (trừ đơn vị thu, chi ngân sách nhà nước các cấp) nếu lựa chọn lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử thì vẫn phải in sổ kế toán tổng hợp ra giấy và ký xác nhận, đóng dấu (nếu có) để lưu trữ theo quy định. Việc in ra giấy chứng từ kế toán, sổ kế toán chi tiết và các tài liệu kế toán khác do người đại diện theo pháp luật của đơn vị quyết định. Các đơn vị thu, chi ngân sách nhà nước các cấp thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Theo đó, chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài có thể lưu trữ tài liệu kế toán trên phương tiện điện tử nhưng phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải đảm bảo tra cứu được trong thời hạn lưu trữ.

Kế toán trưởng của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài phải có chuyên môn nghiệp vụ thế nào?

Kế toán trưởng của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài được quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định 174/2016/NĐ-CP như sau:

Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng, phụ trách kế toán

2. Kế toán trưởng, phụ trách kế toán của các đơn vị kế toán sau đây phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên, bao gồm:

d) Cơ quan chuyên môn trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tương đương; các cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc các cơ quan này;

đ) Cơ quan trung ương tổ chức theo ngành dọc đặt tại tỉnh;

e) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp ở cấp trung ương, cấp tỉnh có sử dụng ngân sách nhà nước;

g) Ban quản lý dự án đầu tư có tổ chức bộ máy kế toán riêng, có sử dụng ngân sách nhà nước thuộc dự án nhóm A và dự án quan trọng quốc gia;

h) Đơn vị dự toán cấp 1 thuộc ngân sách cấp huyện;

i) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều này;

k) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã có vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên;

l) Chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

Theo quy định trên thì Kế toán trưởng của chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài phải có chuyên môn nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên.