Nguyên tắc kế toán áp dụng đối với tài khoản kế toán (462) về các khoản phải trả khác của tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào?

Nguyên tắc kế toán áp dụng đối với tài khoản kế toán (462) về các khoản phải trả khác của tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào?

Cho tôi hỏi là nguyên tắc kế toán áp dụng đối với tài khoản kế toán (462) về các khoản phải trả khác của tổ chức tài chính vi mô được quy định như thế nào? Xin cảm ơn. Câu hỏi của chị T đến từ Nha Trang.

Tài khoản kế toán 462 của tổ chức tài chính vi mô dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản nào??

Tài khoản kế toán 462 của tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Thông tư 31/2019/TT-NHNN được dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản sau:

– Giá trị tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền; Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tập thể theo quyết định của cấp có thẩm quyền ghi trong biên bản xử lý, nếu đã xác định được nguyên nhân;

– Số tiền phải trả về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn;

– Các khoản khấu trừ vào tiền lương của công nhân viên (nếu có);

– Các khoản tiền giữ hộ theo quy định và các khoản tiền đang chờ thanh toán, xử lý của các cơ quan, đơn vị gửi tổ chức tài chính vi mô để nhờ giữ hộ;

– Các khoản doanh thu, thu nhập chưa thực hiện;

– Các khoản phải trả, phải nộp để mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ và các khoản hỗ trợ khác (ngoài lương) cho người lao động…

– Số tiền, tài sản nhận ký quỹ, ký cược, các khoản chi phí phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ người bán hoặc dịch vụ đã cung cấp trong kỳ báo cáo nhưng thực tế chưa chi trả do chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ hồ sơ, tài liệu kế toán, được ghi nhận vào chi phí hoạt động của kỳ báo cáo;

– Các khoản phải trả, phải nộp khác.

Hệ thống tài khoản kế toán của tài khoản 462 của tổ chức tài chính vi mô bao gồm những tài khoản cấp 2 nào?

Hệ thống tài khoản kế toán của tài khoản 462 của tổ chức tài chính vi mô theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Thông tư 31/2019/TT-NHNN bao gồm những tài khoản cấp 2 sau:

+ Tài khoản 4621- Tiền gửi ký quỹ

Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền đồng Việt Nam mà TCTCVM nhận ký quỹ của TCTD, cá nhân, tổ chức khác để đảm bảo thực hiện các hợp đồng, cam kết đã ký.

Bên Nợ:

– Số tiền gửi đã sử dụng để thanh toán cho người hưởng.

– Số tiền gửi còn thừa, trả lại khách hàng.

Bên Có: – Số tiền khách hàng ký quỹ phát sinh.

Số dư bên Có: – Phản ánh số tiền khách hàng đang ký gửi ở TCTCVM để bảo đảm thanh toán.

Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khách hàng ký quỹ.

+ Tài khoản 4622 – Thừa quỹ, tài sản thừa chờ xử lý

Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền thừa quỹ, giá trị tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền. Trường hợp giá trị tài sản đã xác định được nguyên nhân và có biên bản xử lý thì được ghi ngay vào các tài khoản liên quan, không hạch toán vào tài khoản này.

Bên Nợ: – Kết chuyển giá trị tài sản thừa vào các tài khoản liên quan theo quyết định ghi trong biên bản xử lý.

Bên Có: – Số tiền thừa quỹ, giá trị tài sản thừa chờ xử lý (chưa xác định rõ nguyên nhân).

Số dư bên Có: – Phản ánh số tiền thừa quỹ, giá trị tài sản thừa chờ xử lý hiện có của TCTCVM.

Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo loại tài sản thừa chờ xử lý.

+ Tài khoản 4623 – Doanh thu chờ phân bổ

Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu chờ phân bổ (doanh thu chưa thực hiện) của TCTCVM trong kỳ kế toán. Doanh thu chờ phân bổ như: số tiền của khách hàng đã trả trước cho một hoặc nhiều kỳ kế toán, khoản lãi nhận trước…

Bên Nợ: – Kết chuyển “doanh thu chờ phân bổ” sang tài khoản thu nhập theo quy định.

– Tất toán doanh thu chờ phân bổ theo chế độ quy định.

Bên Có: – Số tiền ghi nhận doanh thu chờ phân bổ phát sinh trong kỳ.

Số dư bên Có: – Phản ánh số tiền doanh thu chờ phân bổ hiện có của TCTCVM.

Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng khoản doanh thu chờ phân bổ.

+ Tài khoản 4624 – Các khoản phải trả theo lương cho người lao động

Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản phải trả theo lương cho người lao động như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn.

Tài khoản 4624 có các tài khoản cấp 3 sau:

46241- Bảo hiểm xã hội

46242- Bảo hiểm y tế

46243- Bảo hiểm thất nghiệp

46244- Kinh phí công đoàn

Bên Nợ: – Số tiền BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ đã trả, đã nộp.

Bên Có: – Số tiền BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ phải trả, phải nộp.

Số dư bên Có: – Số tiền BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ còn phải trả, còn phải nộp khác.

Hạch toán chi tiết: Mở 1 tài khoản chi tiết.

+ Tài khoản 4629 – Các khoản phải trả khác

Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản phải trả khác của TCTCVM ngoài các khoản phải trả đã được hạch toán vào các tài khoản thích hợp như:

– Tiền thu từ việc bán nợ, tài sản bảo đảm nợ hoặc khai thác tài sản bảo đảm nợ, Thanh toán với khách hàng về tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông chờ xử lý;

– Các khoản chi phí phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ người bán hoặc dịch vụ đã cung cấp trong kỳ báo cáo nhưng thực tế chưa chi trả do chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ hồ sơ, tài liệu kế toán, được ghi nhận vào chi phí hoạt động của kỳ báo cáo;

– Các khoản các khoản phải trả, phải nộp khác.

Tài khoản 4629 có các tài khoản cấp 3 sau:

46291- Chi phí phải trả

46299- Các khoản phải trả, phải nộp khác

Bên Nợ: – Số tiền TCTCVM đã trả, đã nộp hoặc được giải quyết chuyển vào tài khoản khác.

Bên Có: – Số tiền phải trả, phải nộp khác phát sinh.

Số dư bên Có: – Phản ánh số tiền còn phải trả, phải nộp khác tại TCTCVM.

Hạch toán chi tiết: Mở tài khoản chi tiết theo từng đối tượng phải trả.

Kết cấu của tài khoản kế toán 462 của tổ chức tài chính vi mô có số dư bên nợ hay không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 Thông tư 31/2019/TT-NHNN như sau:

Tài khoản 462- Phải trả khác

2. Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ. Số dư bên Nợ phản ánh số tiền đã trả lớn hơn số phải trả.

Như vậy, kết cấu của tài khoản kế toán 462 của tổ chức tài chính vi mô có thể có số dư bên nợ. Số dư bên nợ phản ánh số tiền đã trả lớn hơn số phải trả.