Mức đóng bảo hiểm xã hội cao nhất 2024 là bao nhiêu?

1. Người lao động được đóng bảo hiểm xã hội cao nhất là bao nhiêu?

Hiện nay có 02 loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện. Với mỗi loại hình bảo hiểm, mức đóng lại được quy định khác nhau. Cụ thể:

* Mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao nhất:

Theo khoản 1 Điều 85 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, hằng tháng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sẽ phải đóng số tiền sau vào quỹ hưu trí và tử tuất:

Mức đóng BHXH bắt buộc = 8% x Mức tiền lương tháng đóng BHXH

Trong đó:

Mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở

Từ ngày 01/7/2023, lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu đồng lên thành 1,8 triệu đồng nên mức đóng BHXH bắt buộc cao nhất sẽ được xác định như sau:

Thời gian

Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc cao nhất năm 2024

Mức đóng BHXH bắt buộc cao nhất năm 2024

Từ ngày 01/7/2023

20 x 1,8 triệu đồng/tháng = 36 triệu đồng/tháng

8% x 36 triệu đồng/tháng = 2.880.000 đồng/tháng

* Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất:

Căn cứ khoản 1 Điều 87 Luật BHXH năm 2014, hằng tháng, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ phải đóng số tiền sau:

Mức đóng BHXH tự nguyện = 22% x Mức thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó:

Mức thu nhập tháng đóng BHXH tự nguyện cao nhất = 20 x Mức lương cơ sở

Như vậy, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cao nhất được xác định như sau:

Thời gian

Tiền lương tháng đóng BHXH tự nguyện cao nhất năm 2024

Mức đóng BHXH tự nguyện cao nhất năm 2024

Từ ngày 01/7/2023

20 x 1,8 triệu đồng/tháng = 36 triệu đồng/tháng

22% x 36 triệu đồng/tháng = 7.920.000 đồng/tháng

2. Lương hưu từ 01/7/2024 liệu có tăng khi cải cách tiền lương?

Nếu vẫn áp dụng cách tính lương hưu như hiện nay thì lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong khu vực công rất có thể sẽ tăng.

Theo Điều 56 Luật BHXH năm 2014 và Điều 7 Nghị định 115/2015/NĐ-CP, lương hưu hàng tháng được tính theo công thức:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Theo đó:

– Tỷ lệ hưởng thì có thể vẫn giữ nguyên như hiện nay. Theo đó:

  • Lao động nam nghỉ hưu từ 2022: Được hưởng 45% khi đóng đủ 20 năm BHXH, cứ thêm 01 năm thì tính thêm 2% cho tới tối đa là 75%.

  • Lao động nữ: Được hưởng 45% khi đóng BHXH đủ 15 năm, sau đó cứ thêm 01 năm thì tính thêm 2% cho tới tối đa là 75%.

– Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH rất có thể sẽ tăng bởi lương được hưởng theo mức mới không thấp hơn lương hiện hưởng.

Đồng thời theo tinh thần Nghị quyết 27, tới năm 2025, lương thấp nhất của các đối tượng trong khu vực công cũng được đặt ra mục tiêu phải cao hơn lương thấp nhất bình quân các khu vực doanh nghiệp.

Ngoài ra, theo Nghị quyết 104/2023/QH15, từ 01/7/2024, bên cạnh việc cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 thì Nhà nước ta cũng sẽ song song điều chỉnh:

– Lương hưu

– Trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng, ưu đãi người có công

– Một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Như vậy, từ 01/7/2024 tới đây, trong thời gian thực hiện cải cách tiền lương thì lương hưu cũng sẽ được điều chỉnh theo cùng lúc.

Tuy nhiên cần lưu ý, chính sách cải cách tiền lương sẽ chỉ áp dụng đối với đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức.

Còn với đối tượng làm việc tại doanh nghiệp ngoài khu vực công thì không chịu tác động của cải cách tiền lương, do vậy mức lương hưu cũng sẽ không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, Chính phủ vẫn sẽ công bố mức lương tối thiểu vùng theo tháng, theo giờ, lương bình quân thị trường và hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường lao động.

3. Xin đóng bảo hiểm cao hơn lương trong hợp đồng được không?

Tiền lương tháng đóng BHXH là khoản tiền mang tính chất cố định và được xác định cụ thể theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Do đó, người lao động không thể xin đóng bảo hiểm theo mức lương cao hơn tiền lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

Điều 89 Luật BHXH năm 2014 đã nêu rõ, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động, bao gồm:

– Mức lương theo công việc hoặc chức danh được thỏa thuận trong hợp đồng lao động.

– Các khoản phụ cấp lương dùng để bù đắp yếu tố về điều kiện lao động, tính chất công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động mà mức lương thỏa thuận trong hợp đồng chưa tính đến hoặc có tính nhưng chưa đầy đủ.

– Các khoản bổ sung mà xác định được số tiền cụ thể và được trả thường xuyên cùng với mức lương được thỏa thuận trong hợp đồng tại mỗi kỳ trả lương.

Người lao động chỉ có thể đóng bảo hiểm ở mức cao nếu tiền lương theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động cao, chứ không thể tự ý đóng bảo hiểm ở mức cao.

4. Đóng BHXH mức cao nhất, nhận lương hưu bao nhiêu?

Theo Luật BHXH năm 2014, công thức chung để tính lương hưu của người lao động như sau:

Lương hưu hằng tháng

=

Tỷ lệ hưởng

x

Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH

Trong đó:

– Tỷ lệ hưởng lương hưu phụ thuộc vào thời gian tham gia BHXH của mỗi người lao động. Tỷ lệ hưởng tối đa theo quy định là 75% được áp dụng với người lao động đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên với nữ và từ đủ 35 năm trở lên đối với nam.

– Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH được xác định dựa trên tổng các khoản tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH sau khi đã được nhân với hệ số trượt giá, chia cho tổng thời gian đóng BHXH.

Mỗi thời điểm khác nhau thì quy định hệ số trượt giá và mức đóng BHXH tối đa cũng đều có sự điều chỉnh. Do đó, khó có thể xác định chính xác mức hưởng lương hưu khi đóng bảo hiểm ở mức cao nhất.

Ví dụ, nếu mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của cả quá trình đóng BHXH của người lao động là 36 triệu đồng/tháng thì mức hưởng lương hưu cao nhất mà người này nhận được bằng 75% x 36 triệu đồng/tháng = 27 triệu đồng/tháng.

Trên đây là phần giải đáp cho câu hỏi: “Đóng bảo hiểm xã hội cao nhất là bao nhiêu?” Nếu còn thắc mắc về chế độ bảo hiểm xã hội, bạn đọc vui lòng liên hệ tổng đài Kế Toán Việt Hưng để được các chuyên gia pháp lý của ketoanviethung.vn hỗ trợ sớm nhất.