Khoản đặt cọc là gì? Khoản đặt cọc hợp đồng bảo hiểm phải công khai trong những trường hợp nào?

Khoản đặt cọc là gì? Khoản đặt cọc hợp đồng bảo hiểm phải công khai trong những trường hợp nào? Doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhận khoản tiền đặt cọc để thanh toán tổn thất trong tương lai phải công khai khoản đặt cọc trong trường hợp nào? Câu hỏi của chị Th (Đắc Nông).

Khoản đặt cọc là gì?

Căn cứ Mục 5 Chuẩn mực kế toán số 19 Ban hành và công bố theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC quy định như sau:

05. Các thuật ngữ trong chuẩn mực này được hiểu như sau:

Doanh nghiệp bảo hiểm: Là bên tham gia vào một hợp đồng bảo hiểm, có nghĩa vụ phải trả tiền bồi thường cho chủ hợp đồng theo quy định của hợp đồng trong trường hợp có sự kiện được bảo hiểm xảy ra.

Hợp đồng bảo hiểm: Là một hợp đồng mà doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận một khoản tiền (gọi là phí bảo hiểm) và chấp nhận rủi ro bảo hiểm trọng yếu từ khách hàng (chủ hợp đồng) bằng các thỏa thuận bồi thường cho chủ hợp đồng nếu có sự kiện xảy ra trong tương lai gây tổn thất tới chủ hợp đồng.

Hợp đồng bảo hiểm gốc: Là hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp bảo hiểm ký trực tiếp với tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm mà không phải là hợp đồng tái bảo hiểm.

Chủ hợp đồng: Là bên có quyền được nhận khoản bồi thường theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm trong trường hợp một sự kiện được bảo hiểm xảy ra.

Hợp đồng tái bảo hiểm: Là hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm phát hành để bồi thường cho doanh nghiệp nhượng tái đối với những tổn thất của một hay nhiều hợp đồng bảo hiểm do doanh nghiệp nhượng tái phát hành.

Doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm: Là doanh nghiệp bảo hiểm gốc chuyển giao rủi ro bằng hình thức tái bảo hiểm.

Rủi ro bảo hiểm: Là những rủi ro ngoài rủi ro tài chính được chuyển từ chủ hợp đồng bảo hiểm sang doanh nghiệp bảo hiểm.

Khoản nợ bảo hiểm: Là các nghĩa vụ thuần theo hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Tài sản bảo hiểm: Là giá trị quyền thuần theo hợp đồng bảo hiểm của doanh nghiệp bảo hiểm.

Khoản đặt cọc: Là một phần của hợp đồng nhưng không được hạch toán là công cụ phái sinh theo quy định của chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” và sẽ thuộc phạm vi của chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” nếu nó là một công cụ riêng biệt.

Theo đó, khoản đặt cọc là một phần của hợp đồng nhưng không được hạch toán là công cụ phái sinh theo quy định của chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” và sẽ thuộc phạm vi của chuẩn mực kế toán “Công cụ tài chính” nếu nó là một công cụ riêng biệt.

Khoản đặt cọc hợp đồng bảo hiểm phải công khai trong những trường hợp nào?

Căn cứ Mục 9 Chuẩn mực kế toán số 19 Ban hành và công bố theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC quy định như sau:

Công khai khoản tiền đặt cọc

09. Một số hợp đồng bảo hiểm bao gồm cả phần bảo hiểm và phần đặt cọc, doanh nghiệp bảo hiểm được quyền lựa chọn công khai hay không công khai khoản tiền đặt cọc theo quy định sau:

a) Khoản tiền đặt cọc phải công khai nếu thỏa mãn cả hai điều kiện sau:

(i) Doanh nghiệp bảo hiểm có thể xác định riêng rẽ được khoản tiền đặt cọc bao gồm bất kỳ quyền chấm dứt nào đi kèm và không xét đến phần bảo hiểm;

(ii) Chính sách kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm không yêu cầu phải ghi nhận tất cả quyền và nghĩa vụ phát sinh từ khoản tiền đặt cọc này như ví dụ tại đoạn 10.

b) Không bắt buộc phải công khai trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm xác định được khoản tiền đặt cọc một cách riêng rẽ như quy định tại điểm (a/i) nhưng chính sách kế toán đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi nhận tất cả các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ khoản tiền đặt cọc, không tính đến cơ sở được sử dụng để tính toán những quyền và nghĩa vụ đó.

c) Không phải công khai trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không thể xác định được khoản tiền đặt cọc một cách riêng rẽ như quy định tại điểm (a/i).

Như vậy, khoản tiền đặt cọc phải công khai nếu thỏa mãn cả hai điều kiện sau:

(i) Doanh nghiệp bảo hiểm có thể xác định riêng rẽ được khoản tiền đặt cọc bao gồm bất kỳ quyền chấm dứt nào đi kèm và không xét đến phần bảo hiểm;

(ii) Chính sách kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm không yêu cầu phải ghi nhận tất cả quyền và nghĩa vụ phát sinh từ khoản tiền đặt cọc này như ví dụ tại đoạn 10.

Doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhận khoản tiền đặt cọc để thanh toán tổn thất trong tương lai phải công khai khoản đặt cọc trong trường hợp nào?

Theo Mục 10 Chuẩn mực kế toán số 19 Ban hành và công bố theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC quy định như sau:

10. Ví dụ trường hợp các chính sách kế toán của doanh nghiệp bảo hiểm không yêu cầu phải ghi nhận tất cả nghĩa vụ phát sinh từ khoản tiền đặt cọc:

Doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhận khoản tiền đặt cọc để thanh toán tổn thất trong tương lai từ các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhưng theo hợp đồng thì doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phải có trách nhiệm hoàn trả khoản tiền đặt cọc này trong những năm tới. Nếu chính sách kế toán của doanh nghiệp nhượng tái cho phép họ ghi nhận khoản đặt cọc này là thu nhập, mà không ghi nhận là khoản phải trả thì bắt buộc phải công khai.

11. Để đáp ứng yêu cầu công khai báo cáo tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm phải áp dụng:

a) Chuẩn mực này đối với phần bảo hiểm;

b) Chuẩn mực “Công cụ tài chính” đối với khoản tiền đặt cọc.

Như vậy, doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm nhận khoản tiền đặt cọc để thanh toán tổn thất trong tương lai từ các doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nhưng theo hợp đồng thì doanh nghiệp nhượng tái bảo hiểm phải có trách nhiệm hoàn trả khoản tiền đặt cọc này trong những năm tới.

Nếu chính sách kế toán của doanh nghiệp nhượng tái cho phép họ ghi nhận khoản đặt cọc này là thu nhập, mà không ghi nhận là khoản phải trả thì bắt buộc phải công khai.