Hướng dẫn chi tiết về phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán từ một DN thực tế

PHÂN TÍCH TÌNH HÌNH CÔNG NỢ VÀ KHẢ NĂNG THANH TOÁN

Có thể nói, qua phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán của doanh nghiệp, kế toán có thể đánh giá được chất lượng và hiệu quả hoạt động tài chính. Ví dụ, hệ số các khoản phải thu, hệ số các khoản phải trả, số vòng quay khoản phải thu khách hàng…phản ánh điều gì về tình trạng công nợ của doanh nghiệp.

Hay “hệ số khả năng thanh toán tổng quát”, “hệ số thanh toán nợ ngắn hạn”, “hệ số khả năng thanh toán nhanh”, “hệ số khả năng thanh toán lãi vay”… đang dự báo về khả năng thanh toán của DN với các khoản nợ, đang ở mức an toàn hay vượt ngưỡng báo động. Để hiểu rõ hơn, bạn có thể tham khảo bài viết dưới về phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán từ một công ty thực tế.

I. Phân tích tình hình công nợ

Chỉ tiêu Ngày 31/12/2019 Ngày 31/12/2018 So sánh
Chênh lệch  Tỷ lệ 
1. Hệ số các khoản phải thu 0.11 0.08 0.03 39%
2. Hệ số các khoản phải trả 0.15 0.15 0.00 -1%
3. Số vòng quay phải thu khách hàng 9.60 13.62 -4.02 -29%
4. Thời gian thu tiền bình quân  37.49 26.43 11.05 42%
5. Số vòng quay phải trả người bán 9.28 9.11 0.18 2%
6. Thời gian thanh toán bình quân 38.78 39.52 -0.75 -2%

a. Hệ số các khoản phải thu:

Thể hiện trong 1 đồng tài sản của Doanh nghiệp thì có bao nhiêu đồng bị chiếm dụng bởi đổi tượng được Doanh nghiệp cho nợ mà không tính lãi. Hệ số các khoản phải thu tại ngày 31.12.2019 là 0,11 tức là mỗi 1 đồng tài sản thì DN bị chiếm dụng 0,11 đồng. Hệ số này tăng lên 0,03 so với tại thời điểm 31.12.2018 (0.08) thể hiện tỷ trọng tài sản của DN bị chiếm dụng tại 31.12.2019 tăng so với thời điểm 31.12.2018.

Tài sản bị chiếm dụng này chủ yếu đến từ phải thu khách hàng do DN nới lỏng chính sách kinh doanh, chính sách tín dụng, dẫn tới cho khách hàng nợ nhiều hơn, lâu hơn với mục đích để thúc đẩy doanh số. Trong bối cảnh tỷ trọng các khoản phải trả trên tổng tài sản không đối, tỷ trọng các khoản phải thu trên tổng tài sản tăng nói lên việc đi chiếm dụng vốn tại ngày 31.12.2019 là giảm so với ngày 31.12.2018.

b. Hệ số các khoản phải trả:

thể hiện trong 1 đồng tài sản của Doanh nghiệp thì có bao nhiêu đồng được tài trợ bởi nguồn vốn đi chiếm dụng từ các đổi tượng cho DN nợ mà không tính lãi. Hệ số các khoản phải trả tại ngày 31.12.2019 là 0,15 tức là trong mỗi 1 đồng tài sản thì có 0,15 đồng được tài trợ bởi nguồn vốn đi chiếm dụng. Hệ số này tại ngày 31.12.2019 và 31.12.2018 gần như không thay đổi. Điều này thể hiện tỷ trọng tài sản được tài trợ bởi vốn đi chiếm dụng không đổi.

Tổng tài sản tăng lên và nợ phải trả cũng tăng với tỷ lệ gần như tương đương. Trong bối cảnh hệ số các khoản phải thu trên tổng tài sản tăng lên, hệ số các khoản phải trả không đổi dẫn tới khả năng đi chiếm dụng vốn ròng của doanh nghiệp tại ngày 31.12.2019 là giảm sút so với thời điểm 31.12.2018.

c. Số vòng quay khoản phải thu khách hàng

Trong năm 2019 là 9,6 vòng, giảm 4 vòng so với năm 2018 (13,62 vòng). Số vòng quay giảm thể hiện khả năng thu tiền của Doanh nghiệp năm 2019 kém hơn so với năm 2018. Điều này xuất phát từ sự thay đổi trong chính sách tín dụng của Doanh nghiệp nhằm tăng trưởng doanh thu.

d. Thời gian thu các khoản phải thu

Năm 2019 là 37,5 ngày nhiều hơn so với năm 2018 là 26,4 ngày. Điều này nói lên rằng trong năm 2019 thời gian Doanh nghiệp bị khách hàng chiếm dụng khoản phải thu là dài hơn so với năm 2018. Doanh nghiệp đang chủ trương mở rộng thị trường và cho phép nới lỏng chính sách tín dụng nên số ngày thu nợ dài hơn là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cần kiểm soát chặt chẽ hơn việc thu hồi công nợ để tránh tình trạng nợ xấu.

e. Số vòng quay khoản phải trả người bán

Trong năm 2019 là 9,3 vòng, gần như không thay đổi so với năm 2018 là 9,11 vòng. Điều này nói lên sự ổn định trong năng lực thanh toán cho nhà cung cấp của Doanh nghiệp vẫn được đảm bảo. Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thu hồi công nợ năm 2019 chậm hơn so với năm 2018, Doanh nghiệp nên tìm phương án đàm phán với nhà cung cấp để giãn thời gian thanh toán, để bù lại số phải thu bị chiếm dụng, nhằm đảm bảo việc luân chuyển vốn được ổn định.

f. Thời gian thanh toán cho các nhà cung cấp

Năm 2019 gần như tương đương so với năm 2018. Điều này nói lên sự ổn định trong năng lực thanh toán cho nhà cung cấp của Doanh nghiệp vẫn được đảm bảo.

Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thu hồi công nợ năm 2019 chậm hơn so với năm 2018, Doanh nghiệp nên tìm phương án đàm phán với nhà cung cấp để giãn thời gian thanh toán để bù lại số phải thu bị chiếm dụng, nhằm đảm bảo việc luân chuyển vốn được ổn định.

II. Phân tích khả năng thanh toán

Chỉ tiêu Ngày 31/12/2019 Ngày 31/12/2018 So sánh
Chênh lệch Tỷ lệ
1. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát 1.85 2.08 -0.23 -11%
2. Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn 0.76 0.91 -0.15 -16%
3. Hệ số khả năng thanh toán nhanh 0.08 0.23 -0.16 -67%
4. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay 2.62 3.19 -0.56 -18%
5. Hệ số khả năng chi trả 0.13 0.24 -0.11 -48%

a. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát

Tại ngày 31.12.2019 là 1,85 nói lên rằng tại ngày 31.12.2019 DN có khả năng thanh toán 1,85 lần nợ phải trả bằng tổng tài sản. Hệ số này giảm 11% so với tại ngày 31.12.2018, có nghĩa là khả năng thanh toán tổng quát của DN tại ngày 31.12.2019 đã suy giảm một chút so với thời điểm đầu năm. Mặc dù vậy, 1,85 vẫn là mức tương đối an toàn, đảm bảo khả năng thanh toán tổng quát của Doanh nghiệp.

b. Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn

Tại ngày 31.12.2019 là 0,76, cho biết DN có khả năng thanh toán được 0,76 lần nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn. Nợ ngắn hạn là những khoản nợ mà doanh nghiệp phải thanh toán trong vòng một năm hay một chu kỳ kinh doanh. Hệ số này < 1, thể hiện doanh nghiệp không bảo đảm đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn. Hệ số này tại ngày 31.12.2019 là 0,76 và tại ngày 31.12.2018 là 0,91, nói lên rằng tại cả thời điểm đầu năm và cuối năm thì DN đều không đảm bảo đáp ứng được các khoản nợ ngắn hạn.

Tuy nhiên, tại thời điểm đầu năm 2019, hệ số này xấp xỉ 1, tức là tình trạng tài chính là bình thường, tại thời điểm cuối năm 2019, hệ số này giảm sâu, dẫn tới dấu hiệu doanh nghiệp dần mất năng lực tài chính và nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục. Doanh nghiệp cần tìm các giải pháp để bù đắp lại năng lực tài chính như giãn nợ, tìm kiểm các nguồn tài trợ dài hạn, thúc đẩy hiệu quả kinh doanh để cải thiện năng lực tài chính cho Doanh nghiệp,…

c. Hệ số khả năng thanh toán nhanh

Nói lên khả năng thanh toán các khoản nợ phải trả ngắn hạn của Doanh nghiệp bằng tiền và tương đương tiền. Hệ số này tại ngày 31.12.2019 là 0,08, suy giảm đáng kể so với tại ngày 31.12.2018 (0,23). Việc đầu tư vào nâng cấp dây chuyền sản xuất, nới rộng chính sách tín dụng và dự trữ hàng tồn kho đã làm suy giảm số dư tiền tại thời điểm cuối năm 2019, dẫn tới khả năng thanh toán nhanh của Doanh nghiệm bị suy giảm đáng kể.

d. Hệ số khả năng thanh toán lãi vay

Cho biết bằng toàn bộ lợi nhuận trước lãi vay và thuế sinh ra trong kỳ có thể đảm bảo cho doanh nghiệp thanh toán được bao nhiêu lần tổng lãi vay phải trả trong kỳ từ huy động nguồn vốn nợ. Chỉ tiêu này càng lớn, thì chứng tỏ hoạt động kinh doanh có khả năng sinh lời cao, và đó là cơ sở đảm bảo cho tình hình tài chính của doanh nghiệp lành mạnh.

Hệ số này trong năm 2019 là 2,62 cho biết rằng EBIT sinh ra trong năm, có thể đảm bảo cho DN thanh toán được 2,62 lần tổng lãi phải phát sinh trong năm. Hệ số này trong năm 2019 giảm 0,56 so với năm 2018 (3,19), chứng tỏ khả năng sinh lời trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp năm 2019 giảm, và tình hình tài chính của Doanh nghiệp cũng suy giảm tương ứng. Tuy nhiên, hệ số này thể hiện năm 2019 doanh nghiệp vẫn hoạt động có lời và đủ khả năng chi trả lãi vay.

e. Hệ số khả năng chi trả

Cho biết dòng tiền thuần tạo ra trong kỳ từ hoạt động kinh doanh có thể đảm bảo hoàn trả được bao nhiêu lần tổng dư nợ ngắn hạn bình quân. Hệ số này năm 2019 là 0,13 giảm 48% so với năm 2018 (0,24), cho biết rằng mặc dù dòng tiền thuần từ hoạt động KD năm 2019 vẫn dương và tạo tiền góp phần vào khả năng chi trả các khoản nợ ngắn hạn, tuy nhiên năng lực tài chính đã suy giảm đáng kể so với năm 2018.

Điều này xuất phát từ thực tế rằng DN huy động thêm nhiều nguồn vốn là nợ phải trả ngắn hạn (cụ thể là khoản vay) để tài trợ cho hoạt động đầu tư nâng cấp nhà máy và dự trữ hàng tồn kho, đồng thời DN cũng nới lỏng thời gian thu nợ khách hàng nhưng không đàm phán để kéo dài tương ứng các khoản phải trả người bán. Để cải thiện hệ số này trong năm tới, DN cần thúc đẩy hoạt động bán hàng để chuyển hóa hàng tồn kho thành dòng luân chuyển thuần, tích cực thu tiền đồng thời đàm phán giãn nợ với các nhà cung cấp.

Bài viết trên là một số gợi ý về cách phân tích các chỉ số trên báo cáo tài chính của một doanh nghiệp, điển hình là phân tích tình hình công nợ và khả năng thanh toán.

Hiện nay các chủ doanh nghiệp rất cần những nhân sự có tâm và có tầm về tham vấn mảng tài chính doanh nghiệp. Vì vậy đừng ngại nâng cao năng lực và tầm vóc của mình trong doanh nghiệp, giúp ông chủ của mình vượt qua khủng hoảng, tránh suy thoái và xây dựng nền tảng bức phá hồi phục sau khủng hoảng. Khoá Phân tích tài chính doanh nghiệp chuyên sâu sẽ giúp bạn làm điều đó, khoá học được dẫn dắt bởi chuyên gia Trần Hà Thu Audit Manager, KPMG.