Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan phải thông báo quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán đối với doanh nghiệp trong thời gian nào?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan phải thông báo quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán đối với doanh nghiệp trong thời gian nào? Câu hỏi của anh M.M.Q đến từ TP.HCM.

Doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan phải thông báo quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán đối với doanh nghiệp trong thời gian nào?

Căn cứ tại Điều 26 Thông tư 72/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Thông tư 07/2019/TT-BTC về trách nhiệm của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên:

Trách nhiệm của doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên

1. Tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, kiểm toán.

2. Thực hiện chế độ báo cáo hàng quý (theo mẫu 07/DNUT ban hành kèm theo Thông tư này) bằng phương thức điện tử gửi Tổng cục Hải quan.

3. Trong thời gian 90 (chín mươi) ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp nộp cho Tổng cục Hải quan báo cáo tài chính, báo cáo kiểm toán của năm trước.

4. Thực hiện việc tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục sai sót, báo cáo cơ quan hải quan; duy trì các điều kiện doanh nghiệp ưu tiên.

5. Khi được cơ quan hải quan thông báo những sai sót hoặc những vấn đề chưa rõ trong hồ sơ hải quan, doanh nghiệp có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo đầy đủ, kịp thời những vấn đề cơ quan hải quan thông báo.

6. Thông báo cho Tổng cục Hải quan danh sách Đại lý làm thủ tục hải quan cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp.

7. Thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Như vậy, doanh nghiệp được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan phải thông báo bằng văn bản cho Tổng cục Hải quan quyết định xử lý vi phạm pháp luật về thuế, kế toán của cơ quan có thẩm quyền đối với doanh nghiệp trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định.

Để được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế như thế nào?

Theo quy định tại Điều 12 Thông tư 72/2015/TT-BTC thì để được áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan thì doanh nghiệp cần phải đáp ứng điều kiện tuân thủ pháp luật về hải quan, pháp luật về thuế, cụ thể như sau:

Trong thời hạn 02 (hai) năm liên tục, gần nhất tính đến thời điểm doanh nghiệp có văn bản đề nghị công nhận doanh nghiệp ưu tiên, doanh nghiệp không vi phạm các quy định của pháp luật về thuế, hải quan tới mức bị xử lý vi phạm về các hành vi sau:

– Các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới;

– Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có hình thức, mức xử phạt vượt thẩm quyền Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và các chức danh tương đương;

– Đối với đại lý làm thủ tục hải quan, số tờ khai hải quan đại lý làm thủ tục đứng tên bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, lĩnh vực thuế thuộc thẩm quyền xử lý của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan và chức danh tương đương không vượt quá tỷ lệ 0,5% tính trên tổng số tờ khai đã làm thủ tục hải quan.

– Không nợ thuế quá hạn theo quy định.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 43 Luật Hải quan 2014 thì chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp như sau:

– Miễn kiểm tra chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan, miễn kiểm tra thực tế hàng hóa trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trừ trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc kiểm tra ngẫu nhiên để đánh giá sự tuân thủ pháp luật.

– Được làm thủ tục hải quan bằng tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc chứng từ thay thế tờ khai hải quan.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan chưa hoàn chỉnh hoặc kể từ ngày nộp chứng từ thay thế tờ khai hải quan, người khai hải quan phải nộp tờ khai hải quan hoàn chỉnh và các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan.

– Được ưu tiên khi thực hiện thủ tục về thuế đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật về thuế

Đối tượng nào có thẩm quyền xét, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ việc áp dụng chế độ ưu tiên trong lĩnh vực hải quan cho doanh nghiệp?

Căn cứ tại Điều 44 Luật Hải quan 2014 về trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ ưu tiên:

Trách nhiệm của cơ quan hải quan trong việc thực hiện chế độ ưu tiên

1. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xét, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ việc áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp.

2. Cơ quan hải quan các cấp có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, giám sát, đánh giá sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp;

b) Hướng dẫn doanh nghiệp về chính sách, quy định của pháp luật về thuế và hải quan.

Như vậy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xét, công nhận, gia hạn, tạm đình chỉ, đình chỉ việc áp dụng chế độ ưu tiên cho doanh nghiệp.