Có được hạch toán chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh không?

Cho tôi hỏi, có được hạch toán chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh không? Người sử dụng lao động không thực hiện chế độ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật sẽ bị phạt như thế nào? Câu hỏi của anh H (Thanh Hóa).

Có được hạch toán chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH có quy định về nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật như sau:

Nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật

1. Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Trường hợp người lao động làm công việc lưu động, phân tán, ít người hoặc các công việc khác có tổ chức lao động không ổn định mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ, người sử dụng lao động phải cấp hiện vật cho người lao động để người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải lập danh sách cấp phát, có ký nhận của người lao động; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện bồi dưỡng của người lao động.

2. Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.

3. Khuyến khích người sử dụng lao động xem xét, quyết định việc thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật ở mức 1 (13.000 đồng) đối với người lao động không làm các nghề, công việc thuộc danh mục nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định nhưng đang làm việc trong điều kiện lao động có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.

4. Chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Như vậy, theo quy định nêu trên, chi phí bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động được hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên, chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Người sử dụng lao động không thực hiện chế độ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật sẽ bị phạt như thế nào?

Theo quy định tại khoản 8 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

Vi phạm quy định về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

8. Phạt tiền đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Không trang cấp hoặc trang cấp không đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân hoặc có trang cấp nhưng không đạt chất lượng theo quy định; không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định; trả tiền thay cho bồi dưỡng bằng hiện vật cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo một trong các mức sau đây:

a) Từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động;

b) Từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động;

c) Từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động;

d) Từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm từ 101 người đến 300 người lao động;

đ) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm từ 301 người lao động trở lên

Như vậy, tùy thuộc vào số lượng người lao động mà người sử dụng lao động không thực hiện chế độ chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật mà có các mức phạt khác nhau theo quy định trên.

Lưu ý: Mức phạt tiền nêu trên là mức phạt tiền đối với cá nhân vi phạm. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. (Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP).

Ngoài ra, người sử dụng lao động còn buộc trả cho người lao động khoản bồi dưỡng bằng hiện vật được quy thành tiền theo đúng mức quy định đối với hành vi không thực hiện chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật hoặc bồi dưỡng bằng hiện vật thấp hơn mức theo quy định cho người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, độc hại theo quy định tại khoản 11 Điều 22 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Mức bồi dưỡng bằng hiện vật là bao nhiêu theo quy định pháp luật?

Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.

Mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng tại Điều 4 Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH như sau:

– Mức 1: 13.000 đồng;

– Mức 2: 20.000 đồng;

– Mức 3: 26.000 đồng;

– Mức 4: 32.000 đồng.

Người lao động đủ các điều kiện được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật thì mức bồi dưỡng cụ thể theo từng nghề, công việc được quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH và được áp dụng theo thời gian làm việc tương ứng như sau:

– Nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng;

– Nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng;

– Trong trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.