Chính sách mới về bảo hiểm – tiền lương có hiệu lực tháng 10/2022

1. Doanh nghiệp không còn được miễn đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 116/NQ-CP năm 2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Tại Mục II Phần nội dung chính sách, Chính phủ đã cho phép doanh nghiệp (không bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên) đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp trước ngày 01/10/2021 được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0% trong thời gian 12 tháng.

Nói cách khác, kể từ ngày 01/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022, doanh nghiệp sẽ được miễn đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

Sang đến tháng 10/2022, chính sách hỗ trợ này sẽ hết hiệu lực. Theo đó, các doanh nghiệp trước đó được miễn đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp sẽ phải tiếp tục đóng vào quỹ này với tỷ lệ là 1% quỹ tiền lương của những người lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

2. Quy định mới về xếp lương với một số công chức, viên chức

Trong tháng 10/2022, các Thông tư mới quy định về tiêu chuẩn và cách xếp lương một số vị trí công chức, chức danh viên chức cũng sẽ được đưa vào áp dụng. Lần lượt có thể kể đến Thông tư số 08/2022/TT-BNNPTNT, Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT và Thông tư 07/2022/TT-BNV. Lương của công chức, viên chức quy định tại các Thông tư này được xác định như sau:

Ngày có hiệu lực

Văn bản

Công chức, viên chức

Hệ số lương

Tiền lương

06/10/2022

Thông tư số 08/2022/TT-BNNPTNT

Công chức kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, kiểm soát đê điều

Từ 1,86 đến 6,38

Từ 2.771.400 đồng đến 9.506.200 đồng

Công chức kiểm lâm, kiểm ngư, thuyền viên kiểm ngư

Từ 1,86 đến 6,78

Từ 2.771.400 đồng đến 10.102.200 đồng

Ngày 10/10/2022

Thông tư số 13/2022/TT-BTTTT

Viên chức biên tập viên, phóng viên, biên dịch viên, đạo diễn truyền hình

Từ 2,34 đến 8,00

Từ 3.486.600 đồng đến 11.920.00 đồng

Ngày 15/10/2022

Thông tư 07/2022/TT-BNV

Viên chức lưu trữ

Từ 1,86 đến 3,00

Từ 2.771.400 đồng đến 4.470.000 đồng

3. Giảng viên hướng sinh viên nghệ thuật tài năng được hưởng nhiều đãi ngộ

Nhằm thực hiện hiệu quả Đề án đào tạo, bồi dưỡng tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và thể dục thể thao, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 54/2022/TT-BTC quy định về việc quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước đối với việc thực hiện các mục tiêu của đề án này.

Theo điểm c khoản 5 Điều 5 Thông tư 54, ngân sách nhà nước sẽ được dành một phần để chi thực hiện Đề án “Đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Đáng chú ý phải kể việc chi thực hiện chính sách đãi ngộ đối với giảng viên, giáo viên, chuyên gia trong nước tham gia đào tạo tài năng. Những đãi ngộ gồm có:

– Thù lao cho giảng viên tham gia đào tạo (bao gồm cả thù lao soạn giáo án bài giảng) trên cơ sở thỏa thuận theo hình thức hợp đồng công việc với chi phí dịch vụ đào tạo và các khoản chi phí bắt buộc phải trả cho các cơ sở đào tạo cùng chi hỗ trợ kinh phí mua tài liệu học tập bắt buộc.

– Các giảng viên, giáo viên chuyên nghiệp làm nhiệm vụ giảng dạy trong các cơ sở đào tạo, có  số giờ giảng vượt định mức thì được thanh toán chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập. Ngay cả khi các giảng viên này được mời tham gia giảng dạy tại các lớp học do các cơ sở đào tạo khác tổ chức thì vẫn được hưởng đãi ngộ theo chế độ thù lao giảng viên.

– Chuyên gia, giảng viên, giáo viên sáng tác, biên kịch, xây dựng đề án tiết mục cho học sinh, sinh viên các lớp tài năng còn được hỗ trợ về nhuận bút, thù lao đối với các tác phẩm điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu cùng các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

Thông tư 54/2022/TT-BTC chính thức có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2022.