Bộ phận kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm là một bộ phận thuộc các bộ phận nghiệp vụ đúng không?

Tôi có thắc mắc cần được giải đáp như sau: Bộ phận kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm là một bộ phận thuộc các bộ phận nghiệp vụ đúng không? Bộ phận kiểm soát nội bộ được kiểm tra đột xuất bộ phận nghiệp vụ về việc tuân thủ quy trình nội bộ không? Đây là câu hỏi của anh K (Khánh Hòa)

Bộ phận kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm là một bộ phận thuộc các bộ phận nghiệp vụ đúng không?

Theo khoản 2 Điều 12 Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định như sau:

Hoạt động kiểm soát nội bộ

Hoạt động kiểm soát nội bộ bảo đảm các nguyên tắc sau:

1. Kiểm soát nội bộ được thực hiện đối với tất cả hoạt động, quy trình nghiệp vụ và các bộ phận của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

2. Bộ phận kiểm soát tuân thủ phải độc lập với các bộ phận nghiệp vụ.

3. Một nhân viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài không đảm nhiệm cùng một lúc những chức vụ, nhiệm vụ có mục đích, quyền lợi mâu thuẫn hoặc chồng chéo nhau.

4. Nhân viên không được sử dụng thông tin của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài đó phục vụ cho mục đích cá nhân; không được che giấu hành vi vi phạm quy định của pháp luật và quy định nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

5. Bảo đảm có sự kiểm tra, giám sát chéo trong việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ.

6. Hệ thống thông tin về tài chính phục vụ hoạt động kiểm soát nội bộ phải trung thực, hợp lý, đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Như vậy, bộ phận kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm phải là một bộ phận độc lập với bộ phận nghiệp vụ.

Theo căn cứ tại Điều 13 Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định về quyền và trách nhiệm của bộ phận kiểm soát nội bộ như sau:

Nhiệm vụ của bộ phận kiểm soát tuân thủ

Nhiệm vụ của bộ phận kiểm soát tuân thủ bao gồm:

1. Tham mưu cho Tổng giám đốc (Giám đốc) hoặc cấp có thẩm quyền ban hành quy trình kiểm soát nội bộ.

2. Kiểm tra, đánh giá định kỳ hàng năm, đột xuất việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế, quy trình nội bộ và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân, bộ phận nghiệp vụ.

3. Hỗ trợ các bộ phận liên quan trong việc xây dựng, rà soát quy định nội bộ nhằm bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật; kiến nghị, hoàn thiện quy trình, quy định nội bộ.

4. Lập báo cáo định kỳ hàng quý, hàng năm và đột xuất cho Tổng giám đốc (Giám đốc) về tình hình tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế, quy trình nội bộ và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của các cá nhân, bộ phận nghiệp vụ, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy trình nghiệp vụ (nếu cần thiết). Báo cáo định kỳ quý phải được gửi không chậm hơn 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý, báo cáo định kỳ năm phải được gửi không chậm hơn 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm.

5. Kịp thời báo cáo Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, công ty mẹ của chi nhánh nước ngoài trong trường hợp phát hiện các vi phạm trong việc tuân thủ quy định pháp luật của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

Như vậy, bộ phận kiểm soát nội bộ được kiểm tra đột xuất đột bộ phận nghiệp vụ về việc tuân thủ các quy định của pháp luật, quy chế, quy trình nội bộ và chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.

Quy trình kiểm soát nội bộ trong doanh nghiệp bảo hiểm do ai ban hành?

Theo căn cứ tại Điều 22 Thông tư 70/2022/TT-BTC quy định về trách nhiệm của Tổng giám đốc (Giám đốc) trong doanh nghiệp bảo hiểm như sau:

Trách nhiệm của Tổng giám đốc (Giám đốc)

Tổng giám đốc (Giám đốc) của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài có trách nhiệm:

1. Ban hành các quy trình nghiệp vụ (bao gồm cả quy trình kiểm soát nội bộ), chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp; các quy định nội bộ về quản trị rủi ro; chế độ khen thưởng, kỷ luật; thực hiện phân bổ hạn mức rủi ro theo từng quy trình và hoạt động nghiệp vụ.

2. Tổ chức thực hiện hoạt động kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro theo quy định tại Mục 1 và Mục 2 Chương này.

3. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hoạt động kiểm soát nội bộ, quản trị rủi ro và quyết định các giải pháp điều chỉnh, khắc phục (nếu cần thiết).

4. Tổ chức vận hành và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý.

5. Chỉ đạo các bộ phận thuộc tuyến bảo vệ thứ nhất và tuyến bảo vệ thứ hai phối hợp với kiểm toán nội bộ theo quy chế về kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.

6. Chỉ đạo thực hiện những kiến nghị tại báo cáo kiểm toán nội bộ và thực hiện chỉ đạo của Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (nếu có), thông báo cho bộ phận kiểm toán nội bộ tình hình kết quả thực hiện.

Như vậy, Tổng giám đốc của doanh nghiệp bảo hiểm có thẩm quyền ban hành quy trình kiểm soát nội bộ.