1. Hộ nghèo tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cần điều kiện gì?
Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người thuộc hộ nghèo có thể đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện nếu đáp ứng 02 tiêu chí sau:
(1) Là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên.
(2) Không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như:
– Người làm việc theo hợp đồng lao động từ 01 tháng trở lên.
– Cán bộ, công chức, viên chức.
– Công nhân quốc phòng, công nhân công an, người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu.
– Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như quân nhân.
– Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu hưởng sinh hoạt phí.
– Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã,…
2. Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hộ nghèo
Tương tự như bao đối tượng khác, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hộ nghèo cũng được thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 14 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:
Mức đóng/tháng |
= |
22% |
x |
Mức thu nhập chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện |
– |
Mức nhà nước hỗ trợ đóng |
Trong đó:
– Mức thu nhập đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do người dân tự chọn nhưng phải đảm bảo không thấp hơn mức tổi thiểu (mức chuẩn nghèo nông thông) và không cao hơn mức tối đa (20 lần mức lương cơ sở).
Với những cá nhân thuộc hộ nghèo, do có thu nhập hạn chế nên thường chọn mức đóng thấp. Tuy nhiên, mức thu nhập tối thiểu chọn đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện phải bằng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, tức tương đương 1,5 triệu đồng/tháng (theo Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP).
– Nhà nước hỗ trợ một phần tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho những người thuộc hộ nghèo trong thời gian tối đa 10 năm tham gia với số tiền như sau:;
Tiền hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện = 30% x Mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn nghèo nông thôn = 1.500.000 x 22% x 30% = 99.000 đồng/tháng.
Theo công thức tính trên, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hộ nghèo sẽ dao động từ 231.000 đồng/tháng đến 7,821 triệu đồng/tháng.
3. Hộ nghèo đăng ký bảo hiểm xã hội tự nguyện ở đâu?
Điểm 1.1 khoản 1 Điều 3 Quyết định 595/QĐ-BHXH, Bảo hiểm xã hội huyện là nơi thu tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Thêm vào đó, Điều 15 Quyết định số 1155/QĐ-BHXH năm 2022 còn quy định, Bảo hiểm xã hội cấp huyện có trách nhiệm phối hợp tổ chức triển khai thu, phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT tự đóng thông qua Hợp đồng ủy quyền với các tổ chức dịch vụ trên địa bàn (hay còn hiểu là các đại lý thu).
Theo đó, người thuộc hộ nghèo có nhu cầu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể đến một trong các địa chỉ sau đăng ký:
1- Cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện nơi mình cư trú (nơi thường trú hoặc tạm trú).
2 – Điểm thu, đại lý thu bảo hiểm xã hội trên địa bàn mình ở
4. Quyền lợi bảo hiểm xã hội tự nguyện cho hộ nghèo
Khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người thuộc hộ nghèo sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội: (1) Hưu trí, (2) Tử tuất.
* Về chế độ hưu trí:
Theo Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm trở lên sẽ được nhận lương hưu hằng tháng khi đủ tuổi.
Tuy nhiên thay vì lấy lương hưu, người lao động cũng có thể chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc các trường hợp quy định tại Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội.
* Về chế độ tử tuất:
Theo Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu không may qua đời, thân nhân của họ sẽ được nhận trợ cấp mai táng.
Ngoài mai táng phí, thân nhân của người lao động còn được hưởng trợ cấp tuất 1 lần theo Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội.