Áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế trong quản lý thuế với mục đích gì?

Áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế trong quản lý thuế với mục đích gì? Có áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế trong trường hợp kê khai, xác định giá giao dịch liên kết để xác định nghĩa vụ thuế?

Áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế trong quản lý thuế với mục đích gì?

Căn cứ khoản 25 Điều 3 Luật Quản lý thuế 2019 giải thích một số từ ngữ như sau:

Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
22. Giao dịch liên kết là giao dịch giữa các bên có quan hệ liên kết.
23. Giao dịch độc lập là giao dịch giữa các bên không có quan hệ liên kết.
24. Nguyên tắc giao dịch độc lập là nguyên tắc được áp dụng trong kê khai, xác định giá tính thuế đối với người nộp thuế có phát sinh giao dịch liên kết nhằm phản ánh điều kiện giao dịch trong giao dịch liên kết tương đương với điều kiện trong giao dịch độc lập.
25. Nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế là nguyên tắc được áp dụng trong quản lý thuế nhằm phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.
26. Công ty mẹ tối cao của tập đoàn là pháp nhân có vốn chủ sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp tại các pháp nhân khác của một tập đoàn đa quốc gia, không bị sở hữu bởi bất kỳ pháp nhân nào khác và báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ tối cao của tập đoàn không được hợp nhất vào bất kỳ báo cáo tài chính của một pháp nhân nào khác trên toàn cầu.

Như vậy, có thể thấy nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế được áp dụng trong quản lý thuế với mục đích phân tích các giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người nộp thuế để xác định nghĩa vụ thuế tương ứng với giá trị tạo ra từ bản chất giao dịch, hoạt động sản xuất, kinh doanh đó.

 

Có áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế trong trường hợp kê khai, xác định giá giao dịch liên kết để xác định nghĩa vụ thuế?

Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định tại khoản 5 Điều 42 Luật Quản lý thuế 2019 như sau:

Nguyên tắc khai thuế, tính thuế
5. Nguyên tắc kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết được quy định như sau:
a) Kê khai, xác định giá giao dịch liên kết theo nguyên tắc phân tích, so sánh với các giao dịch độc lập và nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập;
b) Giá giao dịch liên kết được điều chỉnh theo giao dịch độc lập để kê khai, xác định số tiền thuế phải nộp theo nguyên tắc không làm giảm thu nhập chịu thuế;
c) Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện quy định tại điểm a, điểm b khoản này và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế được áp dụng trong trường hợp kê khai, xác định giá tính thuế đối với giao dịch liên kết để xác định nghĩa vụ thuế phải nộp như trong điều kiện giao dịch giữa các bên độc lập.

Lưu ý: Người nộp thuế có quy mô nhỏ, rủi ro về thuế thấp được miễn thực hiện nguyên tắc nêu trên và được áp dụng cơ chế đơn giản hóa trong kê khai, xác định giá giao dịch liên kết.

Nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế có bao gồm nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế?

Nguyên tắc quản lý thuế được quy định tại Điều 5 Luật Quản lý thuế 2019, cụ thể như sau:

Nguyên tắc quản lý thuế
1. Mọi tổ chức, hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của luật.
2. Cơ quan quản lý thuế, các cơ quan khác của Nhà nước được giao nhiệm vụ quản lý thu thực hiện việc quản lý thuế theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng và bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người nộp thuế.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tham gia quản lý thuế theo quy định của pháp luật.
4. Thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong quản lý thuế; áp dụng các nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế, trong đó có nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế, nguyên tắc quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các nguyên tắc khác phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
5. Áp dụng biện pháp ưu tiên khi thực hiện các thủ tục về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật về hải quan và quy định của Chính phủ.

Chiếu theo quy định trên, có thể thấy nguyên tắc quản lý thuế theo thông lệ quốc tế bao gồm nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế.