Xe cứu thương có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Trường hợp nào được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt?

Xe cứu thương có phải là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không? Trường hợp nào được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định pháp luật? Những người nào phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đối tượng chịu thuế?

Xe cứu thương có phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không?

Theo Điều 3 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 quy định về đối tượng không chịu thuế như sau:

Đối tượng không chịu thuế
3. Tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh vận chuyển hàng hoá, hành khách, khách du lịch;
4. Xe ô tô cứu thương; xe ô tô chở phạm nhân; xe ô tô tang lễ; xe ô tô thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông;
5. Hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan, hàng hoá từ nội địa bán vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan, hàng hoá được mua bán giữa các khu phi thuế quan với nhau, trừ xe ô tô chở người dưới 24 chỗ.

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng không chịu thuế như sau:

Đối tượng không chịu thuế
4. Đối với xe ô tô quy định tại Khoản 4 Điều 3 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt là các loại xe theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm xe cứu thương, xe chở phạm nhân, xe tang lễ; xe thiết kế vừa có chỗ ngồi, vừa có chỗ đứng chở được từ 24 người trở lên; xe ô tô chạy trong khu vui chơi, giải trí, thể thao không đăng ký lưu hành và không tham gia giao thông và các loại xe chuyên dụng, xe không đăng ký lưu hành, không tham gia giao thông do Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan quy định cụ thể.

Như vậy, xe ô tô cứu thương không phải là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Xe ô tô cứu thương là các loại xe theo thiết kế của nhà sản xuất được sử dụng làm xe cứu thương.

Những người nào phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo Điều 4 Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt 2008 quy định về người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:

Người nộp thuế
Người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trường hợp tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở sản xuất để xuất khẩu nhưng không xuất khẩu mà tiêu thụ trong nước thì tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh xuất khẩu là người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.

Như vậy, người nộp thuế tiêu thụ đặc biệt là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa và kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trường hợp nào được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo Điều 6 Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt như sau:

Hoàn thuế
Việc hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt thực hiện theo quy định tại Điều 8 của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.
1. Đối với hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 8 của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt gồm:
a) Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan Hải quan, được tái xuất ra nước ngoài;
b) Hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam; hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật;
c) Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập, tái xuất khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số hàng thực tế tái xuất khẩu;
d) Hàng nhập khẩu đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài;
đ) Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc để phục vụ công việc khác trong thời hạn nhất định theo quy định của pháp luật và đã nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế.
Trường hợp hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu, nếu đã thực tái xuất khẩu trong thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thì không phải nộp thuế tiêu thụ đặc biệt tương ứng với số hàng thực tế đã tái xuất.
2. Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hóa thực tế xuất khẩu.

Như vậy, trường hợp sau được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt:

– Hàng hóa tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu

– Hàng hóa là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hóa thực tế xuất khẩu.