Văn phòng công chứng niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không đúng nội dung bị bao nhiêu tiền?



Văn phòng công chứng có phải niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng không? Nội dung niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của văn phòng công chứng phải bao gồm những gì? Văn phòng công chứng niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không đúng nội dung quy định bị bao nhiêu tiền?



Văn phòng công chứng có phải niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014 về công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản như sau:

Công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản

3. Công chứng viên phải kiểm tra để xác định người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản và những người yêu cầu công chứng đúng là người được hưởng di sản; nếu thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định.

Tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.

4. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản.

Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì trước khi thực hiện việc công chứng, văn phòng công chứng có trách nhiệm phải niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Văn phòng công chứng niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không đúng nội dung bị bao nhiêu tiền?

Văn phòng công chứng có phải niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng không? (Hình từ Internet)

Nội dung niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của văn phòng công chứng phải bao gồm những gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP như sau:

Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản

2. Nội dung niêm yết phải nêu rõ họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế; quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế; danh mục di sản thừa kế. Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi niêm yết có trách nhiệm xác nhận việc niêm yết và bảo quản việc niêm yết trong thời hạn niêm yết.

Theo đó, nội dung niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của văn phòng công chứng phải bao gồm những nội dung sau đây:

– Họ, tên của người để lại di sản; họ, tên của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế;

– Quan hệ của những người thỏa thuận phân chia hoặc khai nhận di sản thừa kế với người để lại di sản thừa kế;

– Danh mục di sản thừa kế.

Bản niêm yết phải ghi rõ nếu có khiếu nại, tố cáo về việc bỏ sót, giấu giếm người được hưởng di sản thừa kế; bỏ sót người thừa kế; di sản thừa kế không thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người để lại di sản thì khiếu nại, tố cáo đó được gửi cho tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc niêm yết.

Lưu ý: Việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản của văn phòng công chứng phải được niêm yết trong vòng 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.

Văn phòng công chứng niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không đúng nội dung bị bao nhiêu tiền?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 16 Nghị định 82/2020/NĐ-CP về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng như sau:

Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Không đăng báo nội dung đăng ký hoạt động theo quy định;

b) Không thực hiện chế độ báo cáo theo quy định;

c) Không có biển hiệu theo quy định;

d) Không lập sổ trong hoạt động công chứng theo quy định;

đ) Thu thù lao công chứng cao hơn mức trần do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành hoặc cao hơn mức thù lao đã niêm yết; thu chi phí khác cao hơn mức chi phí đã thoả thuận;

e) Thu phí công chứng không đúng theo quy định;

g) Không thực hiện chế độ làm việc theo ngày, giờ làm việc của cơ quan hành chính nhà nước;

h) Niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, văn bản khai nhận di sản không đúng thời hạn hoặc địa điểm hoặc nội dung theo quy định;

i) Không chia sẻ thông tin lên phần mềm cơ sở dữ liệu công chứng về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin khác về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch do công chứng viên của tổ chức mình công chứng;

k) Không thông báo bằng văn bản danh sách cộng tác viên phiên dịch của tổ chức hành nghề công chứng cho Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở;

l) Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp không bảo đảm mức phí tối thiểu hoặc không đúng thời hạn hoặc không đầy đủ cho tất cả công chứng viên của tổ chức mình theo quy định;

m) Đăng ký hoạt động không đúng thời hạn theo quy định.

Như vậy, văn phòng công chứng niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản không đúng nội dung theo quy định thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính số tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Lưu ý: Tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 82/2020/NĐ-CP thì mức phạt tiền trên là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.