Uỷ quyền đăng ký mã số thuế TNCN cho cơ quan chi trả thu nhập được không?
Căn cứ theo khoản 9 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC quy định như sau:
Địa điểm nộp và hồ sơ đăng ký thuế lần đầu
…
9. Đối với người nộp thuế là cá nhân quy định tại Điểm k, n Khoản 2 Điều 4 Thông tư này.
a) Cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân thông qua cơ quan chi trả thu nhập và có ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế thì người nộp thuế nộp hồ sơ đăng ký thuế tại cơ quan chi trả thu nhập. Trường hợp nộp thuế thu nhập cá nhân tại nhiều cơ quan chi trả thu nhập trong cùng một kỳ nộp thuế, cá nhân chỉ ủy quyền đăng ký thuế tại một cơ quan chi trả thu nhập để được cơ quan thuế cấp mã số thuế. Cá nhân thông báo mã số thuế của mình với các cơ quan chi trả thu nhập khác để sử dụng vào việc kê khai, nộp thuế.
Hồ sơ đăng ký thuế của cá nhân gồm: văn bản ủy quyền và một trong các giấy tờ của cá nhân (bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài).
Cơ quan chi trả thu nhập có trách nhiệm tổng hợp thông tin đăng ký thuế của cá nhân vào tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư này gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.
b) Cá nhân nộp thuế thu nhập cá nhân không qua cơ quan chi trả thu nhập hoặc không ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế thì người nộp thuế nộp hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế như sau:
b.1) Tại Cục Thuế nơi cá nhân làm việc đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam chi trả nhưng tổ chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế. Hồ sơ đăng ký thuế gồm:
– Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này;
– Bản sao Thẻ căn cước công dân hoặc bản sao Giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
…
Theo quy định thì có 2 cách để đăng ký thuế:
– Cách 1: Uỷ quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký.
– Cách 2: Cá nhân tự nộp hồ sơ đăng ký thuế cho cơ quan thuế.
Do đó, người lao động có thu nhập chịu thuế TNCN có thể uỷ quyền đăng ký thuế cho cơ quan chi trả thu nhập để được cơ quan thuế cấp mã số thuế TNCN.
Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp thông tin đăng ký thuế của cá nhân vào tờ khai đăng ký thuế mẫu số 05-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư 105/2020/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.
TẢI VỀ: Mẫu tờ khai đăng ký thuế
TẢI VỀ: Mẫu giấy ủy quyền quyết toán thuế TNCN
Lưu ý: Theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân bao gồm :
– Đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là cá nhân cư trú có thu nhập chịu thuế quy định tại Điều 3 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2012 và khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi các Luật về thuế 2014) phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam và cá nhân không cư trú có thu nhập chịu thuế phát sinh trong lãnh thổ Việt Nam.
– Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
+ Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc tính theo 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
+ Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam, bao gồm có nơi ở đăng ký thường trú hoặc có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo hợp đồng thuê có thời hạn.
– Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007.
Việc xác định đối tượng nộp thuế, bao gồm cá nhân cư trú và không cư trú, giúp cơ quan thuế quản lý hiệu quả hơn và đảm bảo rằng mọi cá nhân có thu nhập đều đóng góp công bằng vào ngân sách Nhà nước.
Nghĩa vụ khai quyết toán thuế TNCN của tổ chức, cá nhân trả thu nhập?
Theo quy định tại tiết d1 điểm d khoản 6 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền do tổ chức, cá nhân trả thu nhập chi trả, không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.
Trường hợp tổ chức, cá nhân không phát sinh trả thu nhập thì không phải khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân.
Ngoài ra, trường hợp cá nhân là người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới do tổ chức cũ thực hiện sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp hoặc tổ chức cũ và tổ chức mới trong cùng một hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế theo ủy quyền của cá nhân đối với cả phần thu nhập do tổ chức cũ chi trả và thu lại chứng từ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động (nếu có).
Chậm đăng ký mã số thuế TNCN 30 ngày thì sẽ bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Chậm đăng ký mã số thuế TNCN được đề cập là chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế.
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt vi phạm chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế thì mức phạt sẽ tùy theo thời gian chậm nộp. Cụ thể:
+ Quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày và có tình tiết giảm nhẹ: Phạt cảnh cáo.
+ Quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 30 ngày: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (trừ trường hợp có tính tiết giảm nhẹ nêu trên).
+ Quá thời hạn quy định từ 31 đến 90 ngày: Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.
+ Quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên: Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì chậm đăng ký mã số thuế TNCN 30 ngày thì sẽ bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng (trừ trường hợp có tính tiết giảm nhẹ nêu trên).