Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức kinh doanh có cần dành thời gian cho người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng không?



Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức kinh doanh có cần dành thời gian cho người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng không? Hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu bao gồm những giấy tờ gì? Điều khoản nào không được phép quy định trong hợp đồng theo mẫu?





Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức kinh doanh có cần dành thời gian cho người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng không?

Theo Điều 26 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về thực hiện hợp đồng theo mẫu.

Thực hiện hợp đồng theo mẫu

1. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu.

2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải lưu giữ hợp đồng theo mẫu đã giao kết cho đến khi hợp đồng hết hiệu lực. Trường hợp hợp đồng do người tiêu dùng giữ bị mất hoặc hư hỏng thì trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu từ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh có trách nhiệm cung cấp bản sao hợp đồng.

3. Hợp đồng theo mẫu phải được tổ chức, cá nhân kinh doanh công khai theo hình thức niêm yết ở vị trí dễ nhìn thấy tại trụ sở, địa điểm kinh doanh và đăng tải trên trang thông tin điện tử, phần mềm ứng dụng (nếu có) để người tiêu dùng biết về nội dung của hợp đồng trước khi người tiêu dùng giao kết hợp đồng hoặc thực hiện hoạt động đặt cọc, thanh toán trước khi hợp đồng được giao kết.

Như vậy, trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức kinh doanh phải dành thời gian hợp lý để người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng trước khi giao kết.

Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức kinh doanh có cần dành thời gian cho người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng không?

Trước khi giao kết hợp đồng theo mẫu tổ chức kinh doanh có cần dành thời gian cho người tiêu dùng nghiên cứu hợp đồng không? (hình từ internet)

Hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu bao gồm những giấy tờ gì?

Theo Điều 8 Nghị định 55/2024/NĐ-CP quy định về hồ sơ và hình thức đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung như sau:

Hồ sơ và hình thức đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung

1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bao gồm các tài liệu sau đây:

a) Đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Dự thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bằng tiếng Việt.

2. Hồ sơ đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến trên môi trường điện tử với số lượng 01 bộ cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.

Như vậy, hồ sơ đăng ký hợp đồng theo mẫu bao gồm các tài liệu sau đây:

– Đơn đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này TẢI VỀ

– Dự thảo hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung bằng tiếng Việt.

Điều khoản nào không được phép quy định trong hợp đồng theo mẫu?

Theo Điều 25 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 quy định về điều khoản không được phép quy định trong hợp đồng theo mẫu bao gồm:

– Hạn chế, loại trừ trách nhiệm được pháp luật quy định của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật liên quan quy định trách nhiệm đó được hạn chế, loại trừ;

– Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi quy định của hợp đồng đã giao kết với người tiêu dùng;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương thay đổi điều kiện giao dịch chung mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số trách nhiệm;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định hoặc thay đổi giá tại thời điểm giao sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh thay đổi giá trong quá trình cung cấp dịch vụ liên tục mà không quy định quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng cho người tiêu dùng;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh giải thích hợp đồng, điều kiện giao dịch chung trong trường hợp điều khoản của hợp đồng, điều kiện giao dịch chung được hiểu khác nhau;

– Loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ thông qua bên thứ ba;

– Bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ trách nhiệm khi tổ chức, cá nhân kinh doanh không hoàn thành trách nhiệm của mình;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh chuyển giao trách nhiệm cho bên thứ ba mà không được người tiêu dùng đồng ý, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Quy định về chế tài theo hướng bất lợi hơn cho người tiêu dùng do vi phạm hoặc chấm dứt thực hiện hợp đồng;

– Cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh gia hạn hợp đồng đã thỏa thuận với người tiêu dùng mà không quy định trách nhiệm thông báo trước hoặc không có cơ chế để người tiêu dùng lựa chọn gia hạn hay chấm dứt thực hiện hợp đồng;

– Quy định người tiêu dùng phải đồng ý cho tổ chức, cá nhân kinh doanh thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin của người tiêu dùng là điều kiện để giao kết hợp đồng, điều kiện giao dịch chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

– Quy định trái với nguyên tắc thiện chí theo quy định của pháp luật về dân sự, dẫn đến mất cân bằng về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hướng bất lợi cho người tiêu dùng.