Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính từ ngày 21/10/2024
Chuyên viên pháp lý Tô Quốc Trình
Nội dung bài viết sau cập nhật tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính theo quy định pháp luật từ ngày 21/10/2024.
Ngày 06/9/2024, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính từ ngày 21/10/2024
Tại Điều 7 Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính như sau:
– Đối với đơn vị sự nghiệp công lập cử viên chức tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
+ Có vị trí việc làm còn thiếu theo cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
+ Có nhu cầu và cử viên chức tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
– Đối với viên chức được cử tham dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp:
+ Đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định 85/2023/NĐ-CP và Điều 6 Thông tư 66/2024/TT-BTC;
+ Đang giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương từ đủ 09 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc), trong đó, phải có tối thiểu đủ 01 năm (12 tháng) liên tục giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
+ Trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên hoặc tương đương đã chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, xây dựng ít nhất 01 (một) văn bản, nhiệm vụ khoa học từ cấp cơ sở trở lên, được cấp có thẩm quyền nghiệm thu ban hành, gồm: Văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học hoặc văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của chức danh nghề nghiệp kế toán viên chính;
Cấp cơ sở có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu, gồm: cơ quan hành chính, tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập; Cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục; Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố; Hội đồng nhân dân cấp huyện, các Ban trực thuộc Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố;
Hồ sơ tham gia nghiên cứu, xây dựng văn bản, đề tài, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, cụ thể như sau: Có quyết định tham gia Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền đối với trường hợp không thành lập Ban soạn thảo, Tổ soạn thảo hoặc Tổ biên tập; Có quyết định tham gia Ban chỉ đạo, Ban chủ nhiệm, Ban soạn thảo hoặc Tổ giúp việc, Tổ biên tập, Tổ biên soạn đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, văn bản nghiệp vụ liên quan đến lĩnh vực tài chính, kế toán hoặc có văn bản giao nhiệm vụ của người có thẩm quyền.
Xem thêm Thông tư 66/2024/TT-BTC có hiệu lực kể từ ngày 21/10/2024.
Bãi bỏ quy định tại khoản 2, Điều 26 Thông tư 29/2022/TT-BTC quy định mã số, tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành kế toán, thuế, hải quan, dự trữ.