Thực hiện kiếm soát chất lượng kiểm toán đột xuất trong những trường hợp nào? Có cần phải thông báo trước cho Đoàn kiểm toán không?

Cho tôi hỏi là thực hiện kiếm soát chất lượng kiểm toán đột xuất trong những trường hợp nào? Kiểm toán đột xuất thì có cần phải thông báo trước cho Đoàn kiểm toán không? Câu hỏi của chị H đến từ Nghệ An.

Thực hiện kiếm soát chất lượng kiểm toán đột xuất trong những trường hợp nào?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 477/QĐ-KTNN năm 2024 như sau:

Vụ CĐ&KSCLKT thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất

1. Trong quá trình giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán, khi phát hiện các dấu hiệu sai phạm, sai sót cần phải ngăn ngừa hoặc cần xử lý ngay trong quá trình kiểm toán hoặc theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, Vụ CĐ&KSCLKT lập kế hoạch kiểm soát đột xuất trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét, phê duyệt (trong đó nêu rõ lý do, nội dung, phạm vi kiểm soát đột xuất).

Phạm vi, địa điểm, nội dung kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất do Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt tại kế hoạch kiểm soát đột xuất.

Theo đó, Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán trong quá trình giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán phải thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất nếu phát hiện có dấu hiệu sai phạm, sai sót cần phải xử lý và ngăn ngừa ngay.

Ngoài ra, kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất còn được thực hiện theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Việc thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất thì có cần phải thông báo trước cho Đoàn kiểm toán không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 477/QĐ-KTNN năm 2024 như sau:

Vụ CĐ&KSCLKT thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất

2. Sau khi quyết định thành lập Tổ kiểm soát đột xuất được Tổng Kiểm toán nhà nước ký ban hành, kế hoạch kiểm soát đột xuất được Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt, Vụ CĐ&KSCLKT tổ chức công bố quyết định thành lập Tổ kiểm soát đột xuất với đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán. Kế hoạch kiểm soát đột xuất chỉ được thông báo cho đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, Đoàn kiểm toán các Tổ kiểm toán trước 01 ngày thực hiện kiểm soát tại Tổ kiểm toán.

Theo đó, kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất được sẽ được thông báo cho Đoàn kiểm toán trước 01 ngày thực hiện kiểm soát.

Ai có quyền điều chỉnh kế hoạch kiểm soát trong quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 477/QĐ-KTNN năm 2024 như sau:

Vụ CĐ&KSCLKT thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất

4. Trong quá trình kiểm soát nếu phát sinh các vướng mắc, Tổ trưởng tổ kiểm soát phải kịp thời báo cáo với Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT để chỉ đạo, xử lý. Trường hợp phải điều chỉnh kế hoạch kiểm soát, Tổ trưởng tổ kiểm soát báo cáo Vụ trưởng Vụ CĐ&KSCLKT để báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định.

Theo đó, trong trường hợp cần phải điều chỉnh kế hoạch kiểm soát trong quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất thì Tổ trưởng tổ kiểm soát báo cáo Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước xem xét quyết định.

Như vậy, Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ quyết định về việc điều chỉnh kế hoạch kiểm soát trong quá trình kiểm soát chất lượng kiểm toán đột xuất.

Mục đích của việc thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán là gì?

Theo quy định tại Điều 4 Quy chế Kiểm soát chất lượng kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 477/QĐ-KTNN năm 2024, việc thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán nhằm mục đích:

– Đảm bảo việc tuân thủ pháp luật, Chuẩn mực KTNN, Quy trình kiểm toán của KTNN, hướng dẫn kiểm toán, mẫu biểu hồ sơ kiểm toán, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, KHKT được duyệt và các quy định khác có liên quan trong quá trình tổ chức, thực hiện, quản lý các cuộc kiểm toán của KTNN.

– Phòng ngừa, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, tồn tại trong tổ chức, thực hiện, quản lý hoạt động kiểm toán và hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán;

– Củng cố cơ sở pháp lý, bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp cho các kết quả kiểm toán;

– Phát hiện và ngăn chặn kịp thời các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc biểu hiện sai sót, sai phạm, bỏ sót kết quả (nếu có), hạn chế những vấn đề có thể gây hậu quả trong hoạt động kiểm toán hoặc có thể ảnh hưởng đến chất lượng của cuộc kiểm toán góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

– Đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán, tăng cường tính hiệu lực của kiến nghị kiểm toán, tính minh bạch, sự tin cậy đối với hoạt động kiểm toán, nâng cao uy tín của KTNN.

– Phát hiện những bất cập để đề xuất sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định về kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN.