Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành trong hoạt động khai thác tận thu lô dầu khí không?



Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành trong hoạt động khai thác tận thu lô dầu khí không? Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải gửi báo cáo định kỳ hằng quý về tình hình thực hiện khai thác tận thu lô dầu khí đến ai? Cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản tiếp nhận từ nhà thầu để khai thác tận thu lô dầu khí được quy định ra sao?



Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành trong hoạt động khai thác tận thu lô dầu khí không?

Căn cứ Điều 58 Nghị định 45/2023/NĐ-CP có quy định về nguyên tắc khai thác tận thu lô dầu khí như sau:

Nguyên tắc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

1. Việc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí được thực hiện theo cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo quy định tại Điều 60 Nghị định này phù hợp với đặc thù của từng mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

2. Hoạt động dầu khí đối với mỏ, cụm mô, lô dầu khí khai thác tận thu phải đảm bảo an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ chi phí, trên cơ sở định mức kinh tế, kỹ thuật được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận hoặc ban hành, phù hợp với các quy định của pháp luật có liên quan.

3. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trực tiếp quản lý, điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí, đảm bảo tận thu nguồn tài nguyên dầu khí hiệu quả.

4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục thẩm định và phê duyệt đầu tư bổ sung được thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 44 Luật Dầu khí, Điều 48 và Điều 50 Nghị định này.

Theo đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được quyền lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành đủ năng lực tài chính, kỹ thuật và kinh nghiệm trong hoạt động dầu khí để đảm bảo tận thu nguồn tài nguyên dầu khí hiệu quả.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành trong hoạt động khai thác tận thu lô dầu khí không?

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có được lựa chọn và chỉ định đơn vị vận hành trong hoạt động khai thác tận thu lô dầu khí không? (Hình từ Internet)

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải gửi báo cáo định kỳ hằng quý về tình hình thực hiện khai thác tận thu lô dầu khí đến ai?

Theo quy định tại khoản 6 Điều 59 Nghị định 45/2023/NĐ-CP về trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí như sau:

Nội dung chính của cơ chế điều hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

6. Trách nhiệm của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí

a) Tổ chức thực hiện khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí bảo đảm an toàn, hiệu quả;

b) Xây dựng và phê duyệt chương trình hoạt động và ngân sách hằng năm;

c) Xây dựng và phê duyệt quy trình lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ, mua sắm hàng hóa trong hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí phù hợp với quy định của Luật Dầu khí và nguyên tắc áp dụng đối với hợp đồng dầu khí;

d) Định kỳ hằng quý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, trong đó đánh giá kết quả lãi hoặc lỗ, các biến động đột biến của hoạt động khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí (nếu có) và giải pháp xử lý tiếp theo;

đ) Quyết định chấm dứt hoạt động khai thác tận thu và thu dọn công trình dầu khí;

e) Thực hiện kiểm toán tài chính và kiểm toán kết thúc giai đoạn (nếu có); trên cơ sở các báo cáo kiểm toán nêu trên, phê duyệt báo cáo quyết toán thực hiện khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí; phê duyệt quyết toán chi phí thu dọn công trình dầu khí;

g) Tiến hành thu dọn công trình dầu khí theo quy định của Luật Dầu khí và Nghị định này sau khi kết thúc khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí.

Như vậy, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam phải gửi báo cáo định ký hằng quý về tình hình thực hiện khai thác tận thu lô dầu khí đến Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, báo cáo định ký hằng quý về tình hình thực hiện khai thác tận thu lô dầu khí phải bao gồm các nội dung như:

– Đánh giá kết quả lãi hoặc lỗ;

– Các biến động đột biến của hoạt động khai thác tận thu lô dầu khí (nếu có) và giải pháp xử lý tiếp theo.

Cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản tiếp nhận từ nhà thầu để khai thác tận thu lô dầu khí được quy định ra sao?

Căn cứ theo Điều 61 Nghị định 45/2023/NĐ-CP thì cơ chế quản lý, hạch toán, sử dụng tài sản tiếp nhận từ nhà thầu để khai thác tận thu lô dầu khí được quy định như sau:

(1) Để tiến hành khai thác tận thu mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp nhận nguyên trạng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã được lắp đặt, đầu tư của hợp đồng dầu khí đã kết thúc theo thỏa thuận ký với nhà thầu;

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được sử dụng thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác mà không phải trả tiền.

(2) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức quản lý và lập báo cáo riêng để theo dõi thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật, công trình dầu khí và tài sản khác đã tiếp nhận và cập nhật giá trị đầu tư tăng thêm, được quy định cụ thể tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế điều hành khai thác tận thu lô dầu khí, không phản ánh vào vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và báo cáo tài chính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

(3) Khi kết thúc khai thác tận thu lô dầu khí và hoàn thành thu dọn công trình dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục quản lý thông tin, dữ liệu, tài liệu, mẫu vật và tài sản khác (nếu có) theo quy định của Luật Dầu khí 2022 và Nghị định 45/2023/NĐ-CP.