Tải về mẫu Hợp đồng giao khoán dùng cho Ủy ban nhân dân xã mới nhất là ở đâu? Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng?
Tải về mẫu Hợp đồng giao khoán dùng cho Ủy ban nhân dân xã mới nhất là ở đâu?
Mẫu Hợp đồng giao khoán dùng cho Ủy ban nhân dân xã mới nhất là Mẫu C27-X được quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 70/2019/TT-BTC như sau:
Mẫu Hợp đồng giao khoán dùng cho Ủy ban nhân dân xã.
Hướng dẫn soạn thảo hợp đồng giao khoán dùng cho Ủy ban nhân dân xã thế nào?
Theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư 70/2019/TT-BTC thì hợp đồng giao khoán là bản ký kết giữa UBND xã (người giao khoán) với người nhận khoán về công việc giao nhận khoán, khối lượng công việc, nội dung công việc, thời gian làm việc, trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên khi thực hiện công việc đó.
Hợp đồng giao khoán là cơ sở để UBND xã và người nhận khoán thực hiện thanh toán với nhau.
Cách soạn thảo hợp đồng giao khoán như sau:
– Ghi rõ tên huyện, xã và số hợp đồng giao khoán.
– Ghi rõ căn cứ những quy định của xã về nội dung giao khoán.
VD: Căn cứ vào Quyết định của xã số 05/UBND ngày 15 tháng 1 năm 2019 về việc giao khoán chăm sóc vườn cây ăn quả của xã.
– Ghi rõ ngày, tháng, năm và địa chỉ của nơi thỏa thuận và lập hợp đồng giao khoán.
– Ghi rõ họ tên, chức vụ của bên đại diện bên giao khoán (bên A) và bên nhận khoán (bên B).
Điều 1: Ghi rõ tên công việc giao khoán, nội dung công việc, yêu cầu và điều kiện bên A giao khoán cho bên B; trách nhiệm của từng bên đối với nội dung công việc giao khoán.
VD: UBND xã giao khoán cho ông Nguyễn Văn A nhận khoán quản lý bến đò của xã với nội dung công việc và điều kiện, trách nhiệm như sau:
Điều 2: Thời gian thực hiện hợp đồng: Ghi rõ ngày, tháng, năm bắt đầu và ngày, tháng, năm kết thúc hợp đồng.
Điều 3: Ghi rõ số tiền bằng số và bằng chữ mà bên giao khoán và bên nhận khoán phải thanh toán cho nhau theo các điều kiện hợp đồng ký kết.
Phương thức thanh toán: Ghi rõ phương thức thanh toán bằng tiền mặt, thanh toán bằng hiện vật quy theo giá trị tại thời điểm thanh toán.
– Thời hạn thanh toán: Ghi rõ thời gian thanh toán giá trị hợp đồng.
+ Thanh toán lần 1 vào thời gian: …………………
+ Thanh toán lần 2 vào thời gian: …………………
+ ……………………………………………………….
Điều 4: Trách nhiệm và quyền lợi mỗi bên:
– Ghi rõ trách nhiệm và quyền lợi của bên giao khoán (bên A) như điều kiện làm việc, điều kiện để thanh toán, nội dung phạt hợp đồng.
– Ghi rõ trách nhiệm và quyền lợi của bên nhận khoán (bên B) như: Trách nhiệm thực hiện những điều đã ghi trong hợp đồng (phải nộp cho xã những khoản gì và chịu những khoản chi phí gì) và những quyền lợi được hưởng nếu thực hiện tốt những điều đã thỏa thuận giữa 2 bên đã được ghi trong hợp đồng hoặc nội dung xử phạt nếu không thực hiện đúng những điều đã thỏa thuận.
Điều 5: Những cam kết chung mà 2 bên phải thực hiện.
Hợp đồng lập xong đại diện bên giao khoán và bên nhận khoán cùng ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu (nếu có)
Hợp đồng được lập thành 4 bản:
– Bên A giữ 2 bản
– Bên B giữ 2 bản.
Người giữ và ghi sổ kế toán của Ủy ban nhân dân xã có trách nhiệm như thế nào?
Trách nhiệm của người giữ và ghi sổ kế toán của Ủy ban nhân dân xã được quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư 70/2019/TT-BTC, cụ thể như sau:
(1) Sổ kế toán phải được quản lý chặt chẽ, phân công rõ ràng trách nhiệm cá nhân giữ và ghi sổ.
Nhân viên phụ trách việc giữ và ghi sổ kế toán phải chịu trách nhiệm về nội dung ghi trong sổ trong suốt thời gian giữ và ghi sổ.
(2) Khi có sự thay đổi nhân viên giữ và ghi sổ, phụ trách kế toán xã phải tổ chức bàn giao trách nhiệm quản lý và ghi sổ kế toán giữa nhân viên kế toán cũ với nhân viên kế toán mới.
Nhân viên kế toán cũ phải chịu trách nhiệm về toàn bộ những nội dung ghi trong sổ trong suốt thời gian giữ và ghi sổ kế toán, nhân viên kế toán mới chịu trách nhiệm từ ngày nhận bàn giao. Biên bản bàn giao phải được phụ trách kế toán xã ký xác nhận.
(3) Nhân viên giữ và ghi sổ kế toán phải ghi chép kịp thời sau khi nghiệp vụ kinh tế phát sinh, phải đảm bảo rõ ràng, đầy đủ theo các nội dung của mẫu sổ kế toán.
Thông tin, số liệu được ghi vào sổ kế toán phải đảm bảo chính xác, trung thực, căn cứ vào chứng từ kế toán tương ứng dùng để ghi sổ.
(4) Việc ghi sổ kế toán phải thực hiện theo trình tự thời gian phát sinh của nghiệp vụ kinh tế, tài chính. Thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm sau phải kế tiếp thông tin, số liệu ghi trên sổ kế toán của năm trước liền kề, đảm bảo liên tục từ khi mở sổ đến khi khóa sổ.