Tài sản tiềm tàng của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp có được ghi nhận các tài sản tiềm tàng trong các báo cáo tài chính hay không?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau tài sản tiềm tàng của doanh nghiệp là gì? Doanh nghiệp có được ghi nhận các tài sản tiềm tàng trong các báo cáo tài chính hay không? Câu hỏi của anh L.Q.Q đến từ TP.HCM.

Tài sản tiềm tàng của doanh nghiệp là gì?

Căn cứ Mục 07 Chuẩn mực số 18 ban hành và công bố theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC thì:

Tài sản tiềm tàng: Là tài sản có khả năng phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra và sự tồn tại của tài sản này chỉ được xác nhận bởi khả năng hay xảy ra hoặc không hay xảy ra của một hoặc nhiều sự kiện không chắc chắn trong tương lai mà doanh nghiệp không kiểm soát được.

Doanh nghiệp có được ghi nhận các tài sản tiềm tàng trong các báo cáo tài chính hay không?

Theo Mục 29 Chuẩn mực số 18 ban hành và công bố theo Quyết định 100/2005/QĐ-BTC quy định như sau:

Tài sản tiềm tàng

27. Doanh nghiệp không được ghi nhận một tài sản tiềm tàng.

28. Tài sản tiềm tàng phát sinh từ các sự kiện không có trong kế hoạch hoặc chưa được dự tính, dẫn đến khả năng có thể thu được lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp. Ví dụ: một khoản được bồi thường đang tiến hành các thủ tục pháp lý khi kết quả chưa chắc chắn.

29. Doanh nghiệp không được ghi nhận tài sản tiềm tàng trên báo cáo tài chính vì điều này có thể dẫn đến việc ghi nhận khoản thu nhập có thể không bao giờ thu được. Tuy nhiên, khi có khoản thu nhập gần như chắc chắn thì tài sản liên quan đến nó không còn là tài sản tiềm tàng và được ghi nhận vào báo cáo tài chính là hợp lý.

30. Khi có thể thu được lợi ích kinh tế trong tương lai thì doanh nghiệp phải trình bày trong báo cáo tài chính một tài sản tiềm tàng như quy định trong đoạn 84.

31. Tài sản tiềm tàng phải được đánh giá thường xuyên để đảm bảo là đã được phản ánh một cách hợp lý trong Bản thuyết minh báo cáo tài chính. Nếu doanh nghiệp gần như chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, thì tài sản và khoản thu nhập liên quan phải được ghi nhận trên báo cáo tài chính của kỳ kế toán có khả năng thể xảy ra khoản thu nhập đó theo quy định tại đoạn 84.

Theo đó, doanh nghiệp không được ghi nhận tài sản tiềm tàng trên báo cáo tài chính vì điều này có thể dẫn đến việc ghi nhận khoản thu nhập có thể không bao giờ thu được.

Tuy nhiên, khi có khoản thu nhập gần như chắc chắn thì tài sản liên quan đến nó không còn là tài sản tiềm tàng và được ghi nhận vào báo cáo tài chính là hợp lý.

Phương pháp hạch toán kế toán trong trường hợp tài sản và thu nhập liên quan không còn là tài sản tiềm tàng như thế nào?

Căn cứ tại tiểu mục 3.9 Mục B Phần II Thông tư 21/2006/TT-BTC thì:

B. QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Để hạch toán kế toán các khoản dự phòng, kế toán sử dụng TK 352 “Dự phòng phải trả”.

3. Phương pháp hạch toán kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu:

3.8. Trong một số trường hợp doanh nghiệp có thể tìm kiếm một bên thứ 3 để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng (Ví dụ, thông qua các hợp đồng bảo hiểm, các khoản bồi thường hoặc các giấy bảo hành của nhà cung cấp). Bên thứ 3 có thể hoàn trả lại những gì mà doanh nghiệp đã thanh toán. Khi doanh nghiệp nhận được khoản bồi hoàn của một bên thứ 3 để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng, kế toán ghi:

Nợ các TK 111, 112,…Có TK 711- Thu nhập khác.

3.9. Doanh nghiệp không được ghi nhận các tài sản tiềm tàng trong các báo cáo tài chính vì nếu ghi nhận sẽ dẫn đến tình trạng các khoản thu nhập đã ghi nhận nhưng có thể không bao giờ thu được (Ví dụ, một khoản bồi thường doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục pháp lý khi kết quả chưa chắc chắn). Tuy nhiên, khi việc thu được những khoản này gần như chắc chắn thì tài sản liên quan đến nó không còn là tài sản tiềm tàng (vì doanh nghiệp gần như chắc chắn thu được các lợi ích kinh tế) thì tài sản và thu nhập liên quan phải được ghi nhận trong báo cáo tài chính, khi đó kế toán ghi:

Nợ các TK 111, 112, 138 Có TK 711 – Thu nhập khác.

3.10. Khi thực hiện Chuẩn mực kế toán số 18 “Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng” mà trên TK 335 “Chi phí phải trả” có Số dư Có “Chi tiết số dư trích trước về chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp” thì đơn vị kế toán phải chuyển số dư Có từ TK 335 (Chi tiết số dư Có về trích trước chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp) sang TK 352 “Dự phòng phải trả”.

Như vậy, doanh nghiệp không được ghi nhận các tài sản tiềm tàng trong các báo cáo tài chính vì nếu ghi nhận sẽ dẫn đến tình trạng các khoản thu nhập đã ghi nhận nhưng có thể không bao giờ thu được (Ví dụ, một khoản bồi thường doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục pháp lý khi kết quả chưa chắc chắn).

Tuy nhiên, khi việc thu được những khoản này gần như chắc chắn thì tài sản liên quan đến nó không còn là tài sản tiềm tàng (vì doanh nghiệp gần như chắc chắn thu được các lợi ích kinh tế) thì tài sản và thu nhập liên quan phải được ghi nhận trong báo cáo tài chính, khi đó kế toán ghi:

Nợ các TK 111, 112, 138 Có TK 711 – Thu nhập khác.