Phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản được áp dụng trong trường hợp nào? Thông tin về tài sản so sánh trong thẩm định giá tài sản có được thu thập từ mạng internet? Kết quả khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh trong thẩm định giá tài sản được thể hiện và lưu trữ dưới dạng nào?
Phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản được áp dụng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 5 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận thị trường ban hành kèm theo Thông tư 32/2024/TT-BTC có quy định như sau:
Áp dụng phương pháp so sánh
1. Phương pháp so sánh xác định giá trị của tài sản thẩm định giá dựa trên cơ sở đối chiếu, phân tích và đánh giá các yếu tố so sánh của các tài sản so sánh với tài sản thẩm định giá từ đó điều chỉnh mức giá của các tài sản so sánh làm cơ sở ước tính giá trị của tài sản thẩm định giá.
2. Phương pháp so sánh được áp dụng để thẩm định giá tài sản có hoạt động chuyển nhượng hoặc chào mua hoặc chào bán công khai trên thị trường. Một tài sản được coi là có hoạt động chuyển nhượng hoặc chào mua hoặc chào bán công khai trên thị trường khi thu thập được ít nhất 03 tài sản so sánh từ các tổ chức, cá nhân khác nhau đã chuyển nhượng hoặc được chào mua hoặc chào bán trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá và địa điểm của tài sản thẩm định giá.
3. Nội dung thực hiện
a) Khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh;
b) Phân tích thông tin;
c) Điều chỉnh sự khác biệt giữa tài sản thẩm định giá với tài sản so sánh;
d) Xác định mức giá chỉ dẫn của các tài sản so sánh;
đ) Xác định mức giá của tài sản thẩm định giá.
Như vậy, phương pháp so sánh trong thẩm định giá được áp dụng trong trường hợp tài sản thẩm định giá là tài sản có hoạt động chuyển nhượng hoặc chào mua hoặc chào bán công khai trên thị trường.
Trong đó, một tài sản được coi là có hoạt động chuyển nhượng hoặc chào mua hoặc chào bán công khai trên thị trường khi thu thập được ít nhất 03 tài sản so sánh từ các tổ chức, cá nhân khác nhau đã chuyển nhượng hoặc được chào mua hoặc chào bán trên thị trường gần thời điểm thẩm định giá và địa điểm của tài sản thẩm định giá.
Phương pháp so sánh trong thẩm định giá tài sản được áp dụng trong trường hợp nào? Thông tin về tài sản so sánh có được thu thập từ internet? (Hình từ Internet)
Thông tin về tài sản so sánh trong thẩm định giá tài sản có được thu thập từ mạng internet?
Căn cứ theo quy định từ điểm d khoản 2 Điều 6 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận thị trường ban hành kèm theo Thông tư 32/2024/TT-BTC như sau:
Khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh
1. Thông tin về các tài sản so sánh bao gồm các đặc điểm pháp lý, kinh tế-kỹ thuật của tài sản so sánh; mức giá tài sản so sánh; thời điểm, địa điểm và các bên tham gia chuyển nhượng hoặc chào mua hoặc chào bán; các điều kiện kèm theo mức giá và các thông tin khác (nếu có).
2. Việc khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh phải đáp ứng các yêu cầu sau:
…
c) Ưu tiên lựa chọn các tài sản so sánh có khoảng cách gần nhất đến tài sản thẩm định giá và không bị giới hạn bởi địa giới hành chính của các đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện trong địa bàn tỉnh. Trường hợp mở rộng phạm vi thu thập thông tin ngoài địa bàn tỉnh, người thực hiện thẩm định giá cần nêu rõ lý do và hạn chế (nếu có) của việc mở rộng phạm vi thu thập thông tin trong báo cáo thẩm định giá;
d) Thông tin về tài sản so sánh được thu thập từ một hoặc nhiều nguồn thông tin sau: các hợp đồng; hóa đơn; chứng từ mua bán; các kết quả giao dịch thành công trên các sàn giao dịch; các phương tiện thông tin đại chúng; các phiếu điều tra thực tế thị trường; các mức giá ghi trong các văn bản của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; kết quả trúng đấu giá, đấu thầu theo quy định; phỏng vấn trực tiếp; điện thoại; email hoặc mạng internet; cơ sở dữ liệu về giá của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, các doanh nghiệp và từ các nguồn khác theo quy định (nếu có).
…
Như vậy, căn cứ theo quy định trên thì thông tin về tài sản so sánh trong thẩm định giá tài sản được thu thập từ mạng internet.
Kết quả khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh trong thẩm định giá tài sản được thể hiện và lưu trữ dưới dạng nào?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam về Cách tiếp cận thị trường ban hành kèm theo Thông tư 32/2024/TT-BTC thì kết quả khảo sát và thu thập thông tin về tài sản so sánh trong thẩm định giá tài sản phải được thể hiện và lưu trữ dưới dạng phiếu thu thập thông tin về tài sản so sánh kèm theo chữ ký của người thu thập thông tin.
– Trường hợp quá trình thu thập thông tin có sử dụng thêm các phiếu khảo sát, phiếu điều tra, phiếu thu thập, phiếu đánh giá do người thu thập thông tin trực tiếp lập thì phải có chữ ký của người thu thập thông tin tại các phiếu này.
– Trường hợp thông tin thu thập trên mạng internet, tại phiếu thu thập thông tin cần dẫn chiếu cụ thể các đường dẫn liên kết đến thông tin thu thập và lưu trữ hình ảnh để minh chứng.
Thông tin thu thập trên mạng internet phải là các thông tin trên các website chính thức của các cơ quan, tổ chức được hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Trường hợp thông tin thu thập từ các báo giá chào mua hoặc chào bán, cần có đầy đủ thông tin như tên, địa chỉ, mã số thuế (nếu có) và đóng dấu của đơn vị báo giá, thời điểm cung cấp thông tin, hiệu lực của báo giá.