Mẫu thông báo thay đổi thời giờ làm việc? File Word mẫu thông báo thay đổi thời giờ làm việc? Tải mẫu ở đâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 105 Bộ luật lao động 2019 quy định về thời giờ làm việc như sau:
Thời giờ làm việc bình thường
1. Thời giờ làm việc bình thường không quá 08 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
2. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 01 ngày và không quá 48 giờ trong 01 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Theo quy định trên thì thời giờ làm việc bình thường của người lao động là không quá 08 giờ/01 ngày và không quá 48 giờ/01 tuần.
Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/01 ngày và không quá 48 giờ/01 tuần.
Hiện nay Bộ luật Lao động 2019 không quy định về mẫu thông báo thay đổi giờ làm việc, tùy vào tình hình thực tế mà mỗi công ty sẽ ban hành mẫu thông báo thay đổi giờ làm việc khác nhau.
Thông báo là một dạng văn bản hành chính, do đó, thể thức trình bày của Thông báo thay đổi thời giờ làm phải bao gồm các thành phần chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, bao gồm:
– Quốc hiệu và Tiêu ngữ.
– Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
– Số, ký hiệu của văn bản.
– Địa danh và thời gian ban hành văn bản.
– Tên loại và trích yếu nội dung văn bản.
– Nội dung văn bản.
– Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.
– Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.
– Nơi nhận.
Ngoài ra, tùy thuộc vào nội dung mà thông báo thay đổi thời giờ làm việc còn có thể có các thành phần sau:
– Phụ lục.
– Dấu chỉ độ mật, mức độ khẩn, các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành.
– Ký hiệu người soạn thảo văn bản và số lượng bản phát hành.
– Địa chỉ cơ quan, tổ chức; thư điện tử; trang thông tin điện tử; số điện thoại; số Fax.
* Dưới đây là một số mẫu thông báo thay đổi thời giờ làm việc có thể tham khảo:
TẢI VỀ: Thông báo thay đổi thời giờ làm việc mẫu 1.
TẢI VỀ: Thông báo thay đổi thời giờ làm việc mẫu 2.
Căn lề mẫu thông báo thay đổi thời giờ làm việc sao cho đúng thể thức?
Căn cứ vào Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 30/2020/NĐ-CP TẢI VỀ quy định căn lề trong thể thức và kỹ thuật trình bày văn bản hành chính như sau:
– Văn bản hành chính được trình bày trên khổ giấy A4 (210 mm x 297 mm) theo chiều dài của khổ A4.
Trường hợp nội dung văn bản có các bảng, biểu nhưng không được làm thành các phụ lục riêng thì văn bản hành chính có thể được trình bày theo chiều rộng.
– Phông chữ: Phông chữ tiếng Việt Times New Roman, bộ mã ký tự Unicode theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6909:2001, màu đen.
– Số trang văn bản: Được đánh từ số 1, bằng chữ số Ả Rập, cỡ chữ 13 đến 14, kiểu chữ đứng, được đặt canh giữa theo chiều ngang trong phần lề trên của văn bản, không hiển thị số trang thứ nhất.
Việc căn chỉnh, căn lề văn bản hành chính chuẩn được thực hiện theo quy định sau đây:
– Căn lề trên: Cách mép trên từ 20 – 25mm (2cm – 2.5cm).
– Căn lề dưới: Cách mép dưới từ 20 – 25mm (2cm – 2.5cm).
– Căn lề trái: Cách mép trái từ 30 – 35 mm (3cm – 3.5cm).
– Căn lề phải: Cách mép phải từ 15 – 20 mm (1.5cm – 2cm).
Ngoài việc đảm bảo quy định căn lề thì phần nội dung cần phải đảm bảo giãn dòng chuẩn trong văn bản hành chính như sau:
Nội dung văn bản hành chính được canh đều cả hai lề, khoảng cách giữa các đoạn văn tối thiểu là 6pt; khoảng cách giữa các dòng tối thiểu là dòng đơn, tối đa là 1,5 lines.
Thời giờ nào của người lao động được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương?
Thời giờ được tính vào thời giờ làm việc được hưởng lương được quy định tại Điều 58 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
– Nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút, riêng trường hợp làm việc ban đêm thì được tính ít nhất 45 phút.
– Nghỉ giải lao theo tính chất của công việc.
– Nghỉ cần thiết trong quá trình lao động đã được tính trong định mức lao động cho nhu cầu sinh lý tự nhiên của con người.
– Thời giờ nghỉ đối với lao động nữ khi mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trong thời gian hành kinh.
– Thời giờ phải ngừng việc không do lỗi của người lao động.
– Thời giờ hội họp, học tập, tập huấn do yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc được người sử dụng lao động đồng ý.
– Thời giờ người học nghề, tập nghề trực tiếp hoặc tham gia lao động thì được người sử dụng lao động trả lương theo mức do hai bên thỏa thuận.
– Thời giờ mà người lao động là thành viên ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ.
– Thời giờ khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nếu thời giờ đó được thực hiện theo sự bố trí hoặc do yêu cầu của người sử dụng lao động.
– Thời giờ đăng ký, khám, kiểm tra sức khỏe nghĩa vụ quân sự, nếu thời giờ đó được hưởng nguyên lương theo quy định của pháp luật về nghĩa vụ quân sự.