Mẫu đơn đề nghị cấp lại Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài?

Cho tôi hỏi mẫu đơn đề nghị cấp lại Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài là mẫu nào? Thủ tục cấp lại Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài gồm mấy bước? Câu hỏi của anh PK từ Long An.

Thủ tục cấp lại Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài?

Thủ tục cấp lại Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài được quy định tại Điều 57 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:

Cấp lại giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp nước ngoài làm thủ tục cấp lại giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong trường hợp giấy phép bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép đặt văn phòng đại diện bao gồm: Đơn đề nghị cấp lại giấy phép đặt văn phòng đại diện theo mẫu quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Doanh nghiệp nước ngoài nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện) 01 bộ hồ sơ đến Bộ Tài chính.

4. Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét cấp bản sao giấy phép từ sổ gốc theo quy định của pháp luật. Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Theo đó, thủ tục cấp lại Giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam đối với doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài gồm các bước cơ bản sau đây:

Bước 1: Trường hợp giấy phép bị mất, bị hủy hoại, bị hư hỏng hoặc bị tiêu hủy dưới mọi hình thức thì doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài nộp hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép đặt văn phòng đại diện.

Hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép là đơn đề nghị cấp lại giấy phép đặt văn phòng đại diện theo mẫu nêu trên.

Bước 2: Doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài nộp 01 hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện) đến Bộ Tài chính.

Bước 3: Trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài chính xem xét cấp bản sao giấy phép từ sổ gốc theo quy định của pháp luật.

Trường hợp từ chối chấp thuận, Bộ Tài chính có văn bản giải thích rõ lý do.

Doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam trong những trường hợp nào?

Trường hợp phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài được quy định tại khoản 1 Điều 58 Nghị định 46/2023/NĐ-CP như sau:

Sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam

1. Doanh nghiệp nước ngoài phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam trong những trường hợp sau đây:

a) Thay đổi tên gọi, quốc tịch, địa chỉ của doanh nghiệp nước ngoài;

b) Thay đổi tên gọi của văn phòng đại diện;

c) Thay đổi nội dung hoạt động của văn phòng đại diện;

d) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.

2. Hồ sơ sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam gồm:

a) Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện theo mẫu quy định tại Phụ lục XV ban hành kèm theo Nghị định này;

b) Bản sao tài liệu pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh sự thay đổi trường hợp doanh nghiệp nước ngoài thay đổi tên gọi, quốc tịch, địa chỉ;

c) Văn bản do cấp có thẩm quyền theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp nước ngoài ban hành, trong đó, thể hiện rõ quyết định thay đổi tên gọi hoặc nội dung hoạt động của văn phòng đại diện hoặc thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện.

Như vậy, theo quy định, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài phải làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép đặt văn phòng đại diện tại Việt Nam trong những trường hợp sau đây:

(1) Thay đổi tên gọi, quốc tịch, địa chỉ của doanh nghiệp nước ngoài;

(2) Thay đổi tên gọi của văn phòng đại diện;

(3) Thay đổi nội dung hoạt động của văn phòng đại diện;

(4) Thay đổi địa điểm đặt trụ sở của Văn phòng đại diện từ một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đến một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.