Lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến sau khi được thu sẽ sử dụng cho mục đích gì?

Lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến là bao nhiêu theo quy định của pháp luật hiện hành? Thời hạn của từng loại Giấy phép lái xe được quy định ra sao? Lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến sau khi được thu sẽ sử dụng cho mục đích gì? Câu hỏi của anh A (Gia Lai).

Lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến sau khi được thu sẽ sử dụng cho mục đích gì?

Tại Điều 5 Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định như sau:

Quản lý và sử dụng phí
1. Tổ chức thu phí phải nộp 100% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp tổ chức thu phí được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí được trích để lại 75% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 25% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp tại những địa phương còn khó khăn về điều kiện vật chất, chưa xây dựng được trung tâm sát hạch đủ điều kiện vật chất nhưng được Bộ Giao thông vận tải cho phép sát hạch lái xe tại các trung tâm, bãi sát hạch cũ, tổ chức thu phí được trích để lại 40% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cung cấp dịch vụ, thu phí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; nộp 60% số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước.

Theo quy định này thì lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến sau khi được thu sẽ nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

Nguồn chi phí trang trải cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí do ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu phí theo chế độ, định mức chi ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến là bao nhiêu theo quy định của pháp luật hiện hành?

Tại Điều 3 Thông tư 37/2023/TT-BTC được sửa đổi bởi Điều 8 Thông tư 63/2023/TT-BTC quy định về lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến như sau:

Mức thu phí, lệ phí
1. Mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe (quốc gia và quốc tế) theo hình thức trực tuyến:
a) Kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.
b) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Theo đó, lệ phí cấp giấy phép lái xe theo hình thức trực tuyến được xác định như sau:

– Kể từ ngày 01 tháng 12 năm 2023 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp.

– Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí quy định tại Biểu mức thu phí, lệ phí ban hành kèm theo Thông tư này.

Thời hạn của từng loại Giấy phép lái xe được quy định ra sao?

Tại tiểu mục 3 Mục A Thủ tục hành chính được sửa đổi trong lĩnh vực đường bộ ban hành kèm theo Quyết định 286/QĐ-BGTVT năm 2021 quy định như sau:

3. Cấp mới Giấy phép lái xe
3.4. Thời hạn giải quyết: Chậm nhất không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ sát hạch.
3.5. Đối tượng thực hiện TTHC: Cá nhân, tổ chức.
3.6. Cơ quan thực hiện TTHC:
a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định: Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải;
b) Cơ quan hoặc người có thẩm quyền được uỷ quyền hoặc phân cấp thực hiện: Không có;
c) Cơ quan trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính: Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải;
d) Cơ quan phối hợp: Không có.
3.7. Kết quả của việc thực hiện TTHC: Giấy phép lái xe.
– Thời hạn của Giấy phép lái xe:
+ Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.
+ Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
+ Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.
+ Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp;
+ Thời hạn của giấy phép lái xe được ghi trên giấy phép lái xe.

Như vậy, tùy vào hạng xe mà thời hạn của Giấy phép lái xe cũng khác nhau, cụ thể:

+ Giấy phép lái xe hạng A1, A2, A3 không có thời hạn.

+ Giấy phép lái xe hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì giấy phép lái xe được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

+ Giấy phép lái xe hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp.

+ Giấy phép lái xe hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 05 năm, kể từ ngày cấp.