Kỳ kế toán để lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp thực hiện chia tách, sáp nhập được xác định thế nào?

Kỳ kế toán để lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp thực hiện chia tách, sáp nhập được xác định thế nào? – Câu hỏi của chị H.T (Hà Nội

Kỳ kế toán để lập báo cáo tài chính của doanh nghiệp thực hiện chia tách, sáp nhập được xác định thế nào?

Căn cứ khoản 3 Điều 12 Luật Kế toán 2015 quy định về kỳ kế toán của doanh nghiệp thực hiện chia tách, sáp nhập như sau:

Kỳ kế toán

3. Đơn vị kế toán khi bị chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản thì kỳ kế toán cuối cùng tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định tại khoản 1 Điều này đến hết ngày trước ngày quyết định chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực.

Bên cạnh đó, khoản 4 Điều 3 Luật Kế toán 2015 có giải thích như sau:

Giải thích từ ngữ

Đơn vị kế toán là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 2 của Luật này có lập báo cáo tài chính.

Theo đó, đơn vị kế toán là cơ quan, tổ chức, đơn vị sau:

– Cơ quan có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước các cấp.

– Cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.

– Tổ chức, đơn vị sự nghiệp không sử dụng ngân sách nhà nước.

– Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.

– Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Như vậy, kỳ kế toán của doanh nghiệp sau khi thực hiện chia tách, sáp nhập được xác định từ kỳ kế toán cuối cùng (tính từ đầu ngày kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý, kỳ kế toán tháng theo quy định) đến hết ngày trước ngày quyết định chia, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình hoặc hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản đơn vị kế toán có hiệu lực.

Kỳ kế toán năm, ký kế toán quý, kỳ kế toán tháng được quy định như sau:

– Kỳ kế toán năm là 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch. Đơn vị kế toán có đặc thù về tổ chức, hoạt động được chọn kỳ kế toán năm là 12 tháng tròn theo năm dương lịch, bắt đầu từ đầu ngày 01 tháng đầu quý này đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý trước năm sau và phải thông báo cho cơ quan tài chính, cơ quan thuế;

– Kỳ kế toán quý là 03 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý;

– Kỳ kế toán tháng là 01 tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng.

Công việc kế toán trong các trường hợp chia tách, sáp nhập gồm những nội dung gì?

Căn cứ tại Điều 43, 44 và 46 Luật Kế toán 2015 quy định công việc kế toán của các đơn vị kế toán như sau:

(1) Công việc kế toán trong trường hợp chia đơn vị kế toán

– Đơn vị kế toán bị chia thành các đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Phân chia tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao tài liệu kế toán liên quan đến tài sản, nợ chưa thanh toán cho các đơn vị kế toán mới.

– Đơn vị kế toán mới được thành lập căn cứ vào biên bản bàn giao mở sổ kế toán và ghi sổ kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015.

(2) Công việc kế toán trong trường hợp tách đơn vị kế toán

– Đơn vị kế toán bị tách một bộ phận để thành lập đơn vị kế toán mới phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán của bộ phận được tách;

+ Bàn giao tài sản, nợ chưa thanh toán của bộ phận được tách, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao tài liệu kế toán liên quan đến tài sản, nợ chưa thanh toán cho đơn vị kế toán mới; đối với tài liệu kế toán không bàn giao thì đơn vị kế toán bị tách lưu trữ theo quy định tại Điều 41 của Luật Kế toán 2015.

– Đơn vị kế toán mới được thành lập căn cứ vào biên bản bàn giao mở sổ kế toán và ghi sổ kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015.

(3) Công việc kế toán trong trường hợp sáp nhập đơn vị kế toán

– Đơn vị kế toán bị sáp nhập vào đơn vị kế toán khác phải thực hiện các công việc sau đây:

+ Khóa sổ kế toán, kiểm kê tài sản, xác định nợ chưa thanh toán, lập báo cáo tài chính;

+ Bàn giao toàn bộ tài sản, nợ chưa thanh toán, lập biên bản bàn giao và ghi sổ kế toán theo biên bản bàn giao;

+ Bàn giao toàn bộ tài liệu kế toán cho đơn vị kế toán nhận sáp nhập.

– Đơn vị kế toán nhận sáp nhập căn cứ vào biên bản bàn giao ghi sổ kế toán theo quy định của Luật Kế toán 2015.

Báo cáo cáo tài chính của doanh nghiệp chia tách, sáp nhập phải được lập và trình bày thế nào?

Theo quy định tại Điều 105 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo tài chính khi chia tách, sáp nhập doanh nghiệp như sau:

– Khi chia tách một doanh nghiệp thành nhiều doanh nghiệp mới có tư cách pháp nhân hoặc khi sáp nhập nhiều doanh nghiệp thành một doanh nghiệp khác, doanh nghiệp bị chia tách hoặc bị sáp nhập phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật.

– Trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chia tách, sáp nhập, doanh nghiệp mới phải ghi sổ kế toán và trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:

+ Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số phát sinh trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới. Dòng số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới không có số liệu.

+ Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số phát sinh của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số cuối năm”. Cột “Số đầu năm” không có số liệu.

+ Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên trong cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” không có số liệu.