Kiến nghị bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị gửi không đúng thời hạn thì có đưa vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên được không?

Hội đồng quản trị công ty cổ phần nhận được kiến nghị của 01 nhóm cổ đông kiến nghị bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm đối với ông Đ trước 1 ngày họp đại hội đồng cổ đông thường niên nên đã từ chối kiến nghị vì kiến nghị gửi không đúng thời hạn quy định. Hội đồng quản trị có thực hiện đúng quy định không? Câu hỏi của anh K.L.Q đến từ TP.HCM.

Việc bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị có thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông không?

Căn cứ tại Điều 138 Luật Doanh nghiệp 2020 quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông:

Quyền và nghĩa vụ của Đại hội đồng cổ đông

1. Đại hội đồng cổ đông gồm tất cả cổ đông có quyền biểu quyết, là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.

2. Đại hội đồng cổ đông có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Thông qua định hướng phát triển của công ty;

b) Quyết định loại cổ phần và tổng số cổ phần của từng loại được quyền chào bán; quyết định mức cổ tức hằng năm của từng loại cổ phần;

c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Kiểm soát viên;

d) Quyết định đầu tư hoặc bán số tài sản có giá trị từ 35% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ hoặc một giá trị khác;

Như vậy, việc bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông theo quy định.

Kiến nghị bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị gửi không đúng thời hạn thì có đưa vào cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên được không?

Căn cứ tại Điều 142 Luật doanh nghiệp 2020 Chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông

Chương trình và nội dung họp Đại hội đồng cổ đông

1. Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải chuẩn bị chương trình, nội dung cuộc họp.

2. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 của Luật này có quyền kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông. Kiến nghị phải bằng văn bản và được gửi đến công ty chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày khai mạc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định thời hạn khác. Kiến nghị phải ghi rõ tên cổ đông, số lượng từng loại cổ phần của cổ đông, vấn đề kiến nghị đưa vào chương trình họp.

3. Trường hợp người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông từ chối kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều này thì chậm nhất là 02 ngày làm việc trước ngày khai mạc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông chỉ được từ chối kiến nghị nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Kiến nghị được gửi đến không đúng quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Vấn đề kiến nghị không thuộc thẩm quyền quyết định của Đại hội đồng cổ đông;

c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.

4. Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải chấp nhận và đưa kiến nghị quy định tại khoản 2 Điều này vào dự kiến chương trình và nội dung cuộc họp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này; kiến nghị được chính thức bổ sung vào chương trình và nội dung cuộc họp nếu được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

Như vậy, có thể thấy rằng, kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 phải được bằng văn bản và được gửi đến công ty chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày khai mạc, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định thời hạn khác.

Theo đó, khách hàng cần kiểm tra các vấn đề sau:

– Trong Điều lệ công ty có quy định thời hạn gửi kiến nghị vấn đề đưa vào chương trình họp Đại hội đồng cổ đông khác với quy định của pháp luật không.

– Nhóm cổ đông gửi kiến nghị có thuộc cổ đông của cổ đông hoặc nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2020 không.

Trong trường hợp Điều lệ công ty không quy định vấn đề này và xác định được nhóm cổ đông có quyền gửi kiến nghị thì căn cứ theo quy định tại Điều 142 Luật doanh nghiệp 2020 thì:

Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông được quyền từ chối kiến nghị bãi nhiệm thành viên hội đồng quản trị với lý do “Kiến nghị được gửi đến không đúng quy định tại khoản 2 Điều 142 Luật doanh nghiệp 2020”.

Lưu ý: Người triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông phải có nghĩa vụ gửi văn bản từ chối chậm nhất là 02 ngày làm việc trước ngày khai mạc cuộc họp Đại hội đồng cổ đông.

Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp nào?

Căn cứ tại Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2020 miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị:

Miễn nhiệm, bãi nhiệm, thay thế và bổ sung thành viên Hội đồng quản trị

1. Đại hội đồng cổ đông miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

a) Không có đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo quy định tại Điều 155 của Luật này;

b) Có đơn từ chức và được chấp thuận;

c) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

2. Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

a) Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

b) Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

3. Khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định thay thế thành viên Hội đồng quản trị; miễn nhiệm, bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Như vậy, Đại hội đồng cổ đông bãi nhiệm thành viên Hội đồng quản trị trong trường hợp sau đây:

– Không tham gia các hoạt động của Hội đồng quản trị trong 06 tháng liên tục, trừ trường hợp bất khả kháng;

– Trường hợp khác quy định tại Điều lệ công ty.

Ngoài ra, khi xét thấy cần thiết, Đại hội đồng cổ đông quyết định miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị ngoài trường hợp quy định khoản 2 Điều 160 Luật Doanh nghiệp 2020.