Người trúng đấu giá sau khi mua doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quyền lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp không?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định 23/2022/NĐ-CP có quy định như sau:
Quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đăng ký mua và người trúng đấu giá
…
2. Người trúng đấu giá có trách nhiệm:
a) Thanh toán tiền mua doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký;
b) Không được bán, chuyển nhượng một phần vốn và tài sản của doanh nghiệp khi chưa hoàn thành việc thanh toán tiền mua doanh nghiệp và các cam kết khác (nếu có) tại Hợp đồng mua bán toàn bộ doanh nghiệp;
c) Được quyền lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp sau khi mua và thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, trong đó hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán toàn bộ doanh nghiệp và thông báo việc hoàn thành bán toàn bộ doanh nghiệp;
d) Có quyền và trách nhiệm kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp, nghĩa vụ của doanh nghiệp đã ghi trong hợp đồng mua bán toàn bộ doanh nghiệp và các hợp đồng đã ký kết; có trách nhiệm thanh toán các khoản nợ phải trả và thu hồi các khoản nợ phải thu theo cam kết.
đ) Đối với tổ chức tín dụng trúng đấu giá thì cần đáp ứng theo các quy định pháp luật về ngân hàng sau khi hoàn thành việc mua doanh nghiệp.
Như vậy, theo quy định trên thì người trúng đấu giá trong hoạt động bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quyền lựa chọn hình thức pháp lý của doanh nghiệp sau khi mua và thực hiện đăng ký doanh nghiệp tại cơ quan đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, trong đó hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng được thay bằng quyết định của cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán toàn bộ doanh nghiệp và thông báo việc hoàn thành bán toàn bộ doanh nghiệp.
Khoản tiền đặt trước của người trúng đấu giá doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được xử lý ra sao?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 23/2022/NĐ-CP như sau:
Phê duyệt kết quả bán, ký kết hợp đồng, bàn giao, thanh toán, thông báo về việc hoàn thành bán toàn bộ doanh nghiệp
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được báo cáo của doanh nghiệp về diễn biến cuộc đấu giá và kết quả đấu giá doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm xem xét, phê duyệt kết quả bán toàn bộ doanh nghiệp.
2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày phê duyệt kết quả bán toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức thực hiện đấu giá phải hoàn trả tiền đặt trước cho những người tham gia đấu giá hợp lệ nhưng không trúng đấu giá. Tiền đặt trước của người trúng đấu giá được trừ vào tiền mua doanh nghiệp. Tiền đặt trước không được hoàn trả cho người vi phạm nội quy phiên bán đấu giá, người trúng đấu giá nhưng không thực hiện ký hợp đồng theo quy định. Khoản tiền đặt trước không được hoàn trả phải hạch toán tăng khoản thu do bán toàn bộ doanh nghiệp và được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 31 Nghị định này.
…
Như vậy, khoản tiền đặt trước của người trúng đấu giá doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sẽ được trừ vào số tiền mua doanh nghiệp.
Lưu ý: Người vi phạm nội quy phiên bán đấu giá, người trúng đấu giá nhưng không thực hiện ký hợp đồng sẽ không được hoàn trả khoản tiền đặt trước.
Khoản tiền đặt trước không được hoàn trả phải hạch toán tăng khoản thu do bán toàn bộ doanh nghiệp và được quản lý và sử dụng.
Chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm những khoản nào?
Căn cứ Điều 30 Nghị định 23/2022/NĐ-CP thì chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là các khoản chi liên quan trực tiếp đến quá trình bán doanh nghiệp từ thời điểm quyết định bán doanh nghiệp đến thời điểm bàn giao doanh nghiệp cho người trúng đấu giá.
Theo đó, chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm các khoản sau:
(1) Các khoản chi phí trực tiếp tại doanh nghiệp:
– Chi phí kiểm kê, xác định giá trị doanh nghiệp;
– Chi phí lập phương án bán doanh nghiệp;
– Chi phí tổ chức Hội nghị người lao động để triển khai bán toàn bộ doanh nghiệp;
– Chi phí hoạt động tuyên truyền, công bố thông tin về doanh nghiệp;
– Chi phí cho việc tổ chức bán đấu giá doanh nghiệp.
(2) Tiền thuê tổ chức tài chính trung gian tư vấn định giá, thực hiện đấu giá doanh nghiệp.
Việc thanh toán chi phí cho các tổ chức tư vấn căn cứ vào Hợp đồng ký kết giữa các bên liên quan.
(3) Các chi phí khác có liên quan đến quá trình bán toàn bộ doanh nghiệp (nếu có).