Khi nào chứng từ kế toán của công ty chứng khoán có giá trị thực hiện theo quy định pháp luật?

Khi nào chứng từ kế toán của công ty chứng khoán có giá trị thực hiện theo quy định pháp luật?

Khi nào chứng từ kế toán của công ty chứng khoán có giá trị thực hiện theo quy định pháp luật? Công ty chứng khoán phải mở sổ đăng ký mẫu chữ ký chứng từ kế toán cho những ai? Khi nào chứng từ kế toán của công ty chứng khoán được ghi vào sổ kế toán?

Khi nào chứng từ kế toán của công ty chứng khoán có giá trị thực hiện?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Thông tư 210/2014/TT-BTC quy định như sau:

Ký chứng từ kế toán

1. Mọi chứng từ kế toán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ mới có giá trị thực hiện. Riêng chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử theo quy định của pháp luật. Tất cả các chữ ký trên chứng từ kế toán đều phải ký bằng bút bi hoặc bút mực, không được ký bằng mực đỏ, bằng bút chì, chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên. Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký đã đăng ký theo quy định, trường hợp không đăng ký chữ ký thì chữ ký lần sau phải khớp với chữ ký các lần trước đó.

2. Chữ ký của người đứng đầu của Công ty chứng khoán (Tổng Giám đốc, Giám đốc hoặc người được ủy quyền), của kế toán trưởng (hoặc người được ủy quyền) và dấu đóng trên chứng từ phải phù hợp với mẫu dấu và chữ ký còn giá trị đã đăng ký tại Ngân hàng thương mại. Chữ ký của kế toán viên trên chứng từ phải giống chữ ký đã đăng ký với kế toán trưởng.

3. Kế toán trưởng (hoặc người được ủy quyền) không được ký “thừa ủy quyền” của người đứng đầu Công ty chứng khoán. Người được ủy quyền không được ủy quyền lại cho người khác.

Như vậy, mọi chứng từ kế toán của công ty chứng khoán phải có đủ chữ ký theo chức danh quy định trên chứng từ mới có giá trị thực hiện. Đồng thời:

+ Tất cả các chữ ký trên chứng từ kế toán đều phải ký bằng bút bi hoặc bút mực, không được ký bằng mực đỏ, bằng bút chì, chữ ký trên chứng từ kế toán dùng để chi tiền phải ký theo từng liên.

+ Chữ ký trên chứng từ kế toán của một người phải thống nhất và phải giống với chữ ký đã đăng ký theo quy định, trường hợp không đăng ký chữ ký thì chữ ký lần sau phải khớp với chữ ký các lần trước đó.

Công ty chứng khoán phải mở sổ đăng ký mẫu chữ ký chứng từ kế toán cho những ai?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 210/2014/TT-BTC quy định như sau:

Ký chứng từ kế toán

4. Các Công ty chứng khoán phải mở sổ đăng ký mẫu chữ ký của các nhân viên kế toán, kế toán trưởng (và người được ủy quyền), Tổng Giám đốc, Giám đốc (và người được ủy quyền) liên quan đến hoạt động của Công ty chứng khoán. Sổ đăng ký mẫu chữ ký phải đánh số trang, đóng dấu giáp lai do người đứng đầu tổ chức (hoặc người được ủy quyền) quản lý để tiện kiểm tra khi cần. Mỗi người phải ký ba chữ ký mẫu trong sổ đăng ký.

5. Những cá nhân có quyền hoặc được ủy quyền ký chứng từ, không được ký chứng từ kế toán khi chưa ghi hoặc chưa ghi đủ nội dung chứng từ theo trách nhiệm của người ký.

6. Việc phân cấp ký trên chứng từ kế toán do Tổng Giám đốc, Giám đốc Công ty chứng khoán, quy định phù hợp với luật pháp, yêu cầu quản lý, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, an toàn tài sản của Công ty chứng khoán.

Như vậy, công ty chứng khoán phải mở sổ đăng ký mẫu chữ ký của các nhân viên kế toán, kế toán trưởng (và người được ủy quyền), Tổng Giám đốc, Giám đốc (và người được ủy quyền) liên quan đến hoạt động của Công ty chứng khoán.

Lưu ý: Sổ đăng ký mẫu chữ ký phải đánh số trang, đóng dấu giáp lai do người đứng đầu tổ chức (hoặc người được ủy quyền) quản lý để tiện kiểm tra khi cần. Mỗi người phải ký ba chữ ký mẫu trong sổ đăng ký.

 

Khi nào chứng từ kế toán của công ty chứng khoán được ghi vào sổ kế toán?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Thông tư 210/2014/TT-BTC quy định như sau:

Trình tự luân chuyển và kiểm tra chứng từ kế toán của Công ty chứng khoán được quy định như sau:

1. Tất cả các chứng từ kế toán do Công ty chứng khoán lập hoặc từ bên ngoài chuyển đến đều phải tập trung vào bộ phận kế toán Công ty chứng khoán. Bộ phận kế toán kiểm tra những chứng từ kế toán đó và chỉ sau khi kiểm tra và xác minh tính pháp lý của chứng từ và sự khớp đúng về số liệu giữa Công ty chứng khoán thì mới dùng những chứng từ đó để ghi sổ kế toán.

2. Trình tự luân chuyển chứng từ kế toán bao gồm các bước sau:

– Lập, tiếp nhận, xử lý chứng từ kế toán.

– Kế toán viên, kế toán trưởng kiểm tra và ký chứng từ kế toán hoặc trình Tổng Giám đốc, Giám đốc Công ty chứng khoán ký duyệt.

– Phân loại, sắp xếp chứng từ kế toán, định khoản và ghi sổ kế toán.

– Lưu trữ, bảo quản chứng từ kế toán.

Như vậy, chứng từ kế toán của công ty chứng khoán được ghi vào sổ kế toán chỉ khi bộ phận kế toán của công ty chưng khoán kiểm tra và xác minh tính pháp lý của chứng từ kế toán và sự khớp đúng về số liệu.