Kế toán số thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn, được giảm theo nguyên tắc nào? Chi tiết 04 trường hợp hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt?

Kế toán số thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn, được giảm theo nguyên tắc nào? Chi tiết 04 trường hợp hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt? Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt của doanh nghiệp phản ánh nội dung gì? Là tài khoản cấp 2 của tài khoản nào?

Chi tiết 04 trường hợp hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt?

Theo quy định tại Điều 7 Thông tư 195/2015/TT-BTC thì người nộp thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp trong các trường hợp sau đây:

Trường hợp 1. Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu bao gồm:

(1) Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan, được tái xuất ra nước ngoài.

(2) Hàng hoá nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB để giao, bán hàng cho nước ngoài thông qua các đại lý tại Việt Nam;

Hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của các hãng nước ngoài trên các tuyến đường quốc tế qua cảng Việt Nam và

Các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường quốc tế theo qui định của Chính phủ.

(3) Hàng tạm nhập khẩu để tái xuất khẩu theo phương thức kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất khi tái xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số hàng tái xuất khẩu.

(4) Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB nhưng tái xuất khẩu ra nước ngoài được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

(5) Hàng tạm nhập khẩu để dự hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm hoặc để phục vụ công việc khác trong thời hạn nhất định đã nộp thuế TTĐB, khi tái xuất khẩu được hoàn thuế.

(6) Hàng nhập khẩu đã nộp thuế TTĐB theo khai báo, nhưng thực tế nhập khẩu ít hơn so với khai báo; hàng nhập khẩu trong quá trình nhập khẩu bị hư hỏng, mất có lý do xác đáng, đã nộp thuế TTĐB.

(7) Đối với hàng nhập khẩu chưa phù hợp về chất lượng, chủng loại theo hợp đồng, giấy phép nhập khẩu (do phía chủ hàng nước ngoài gửi sai), có giám định của cơ quan có thẩm quyền kiểm nghiệm và xác nhận của chủ hàng nước ngoài mà được phép nhập khẩu thì cơ quan hải quan kiểm tra và xác nhận lại số thuế TTĐB phải nộp, nếu có số thuế đã nộp thừa thì được hoàn lại, nếu nộp thiếu thì phải nộp đủ số phải nộp.

Trường hợp được phép xuất khẩu trả lại nước ngoài thì được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp đối với số hàng xuất trả lại nước ngoài.

Trường hợp trả lại hàng cho bên nước ngoài trong thời hạn chưa phải nộp thuế nhập khẩu theo chế độ quy định thì cơ quan hải quan kiểm tra thủ tục và thực hiện việc không thu thuế TTĐB phù hợp với số hàng nhập khẩu trả lại nước ngoài.

Trường hợp 2. Hàng hoá là nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu được hoàn lại số thuế TTĐB đã nộp tương ứng với số nguyên liệu dùng để sản xuất hàng hoá thực tế xuất khẩu.

Việc hoàn thuế TTĐB theo quy định tại trường hợp 1, 2 chỉ thực hiện đối với hàng hóa thực tế xuất khẩu và thủ tục, hồ sơ, trình tự, thẩm quyền giải quyết hoàn thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu được thực hiện theo quy định như đối với việc giải quyết hoàn thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Trường hợp 3. Cơ sở sản xuất, kinh doanh quyết toán thuế khi sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước có số thuế TTĐB nộp thừa, cơ sở có quyền đề nghị cơ quan thuế hoàn lại số thuế TTĐB nộp thừa.

Trường hợp 4. Hoàn thuế TTĐB trong các trường hợp:

(1) Hoàn thuế theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

(2) Hoàn thuế theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

(3) Hoàn thuế trong trường hợp có số tiền thuế TTĐB đã nộp lớn hơn số tiền thuế TTĐB phải nộp theo quy định.

 

Kế toán số thuế thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn, được giảm theo nguyên tắc nào?

Theo quy định tại khoản 3.2.1 Điều 52 Thông tư 200/2014/TT-BTC về nguyên tắc kế toán đối với tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt:

Theo đó, kế toán số thuế tiêu thụ đặc biệt được hoàn, được giảm thực hiện theo nguyên tắc:

– Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nếu được hoàn ghi giảm giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán) hoặc giảm giá trị hàng hóa (nếu xuất trả lại do vay, mượn…);

– Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu TSCĐ, nếu được hoàn ghi giảm chi phí khác (nếu bán TSCĐ) hoặc giảm nguyên giá TSCĐ (nếu xuất trả lại);

– Thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, TSCĐ nhưng đơn vị không có quyền sở hữu, khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác.

– Thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.

Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt của doanh nghiệp phản ánh nội dung gì? Là tài khoản cấp 2 của tài khoản nào?

Căn cứ tại khoản 2 Điều 52 Thông tư 200/2014/TT-BTC về Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước:

Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước
Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, có 9 tài khoản cấp 2:
– Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước
– Tài khoản 3333 – Thuế xuất, nhập khẩu: Phản ánh số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Như vậy, Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt là tài khoản cấp 2 của Tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước

Tài khoản 3332 – Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.