Kế toán hàng tồn kho là gì? Hướng dẫn kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ mới nhất?

Kế toán hàng tồn kho là gì? Hướng dẫn kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ mới nhất?

Kế toán hàng tồn kho là gì? Hướng dẫn kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ mới nhất? Tài khoản 611 – Mua hàng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ đúng không?

Kế toán hàng tồn kho là gì?

Theo khoản 2 Điều 23 Thông tư 200/2014/TT-BTC có giải thích, hàng tồn kho của doanh nghiệp là những tài sản được mua vào để sản xuất hoặc để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường, gồm:

– Hàng mua đang đi trên đường;

– Nguyên liệu, vật liệu; Công cụ, dụng cụ;

– Sản phẩm dở dang;

– Thành phẩm, hàng hoá; hàng gửi bán;

– Hàng hoá được lưu giữ tại kho bảo thuế của doanh nghiệp.

Đối với sản phẩm dở dang, nếu thời gian sản xuất, luân chuyển vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường thì không được trình bày là hàng tồn kho trên Bảng cấn đối kế toán mà trình bày là tài sản dài hạn.

Đối với vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế có thời gian dự trữ trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường thì không được trình bày là hàng tồn kho trên Bảng cấn đối kế toán mà trình bày là tài sản dài hạn.

Theo đó, có thể hiểu kế toán hàng tồn kho là quá trình ghi chép mọi giao dịch liên quan đến mua, bán, quản lý hàng tồn kho theo dõi chi tiết.

Kế toán hàng tồn kho được xem là một phần quan trọng trong hệ thống kế toán của doanh nghiệp. Mục đích của kế toán chi tiết hàng tồn kho là hỗ trợ doanh nghiệp hiểu được giá trị, sự thay đổi của hàng tồn kho theo thời gian.

Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 23 Thông tư 200/2014/TT-BTC cũng có quy định: Kế toán hàng tồn kho phải được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” khi xác định giá gốc hàng tồn kho, phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, xác định giá trị thuần có thể thực hiện được, lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi nhận chi phí.

 

Hướng dẫn kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ?

Theo quy định tại khoản 13 Điều 23 Thông tư 200/2014/TT-BTC thì trong một doanh nghiệp (một đơn vị kế toán) chỉ được áp dụng một trong hai phương pháp kế toán hàng tồn kho: Phương pháp kê khai thường xuyên, hoặc phương pháp kiểm kê định kỳ.

Việc lựa chọn phương pháp kế toán hàng tồn kho áp dụng tại doanh nghiệp phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất, số lượng, chủng loại vật tư, hàng hóa và yêu cầu quản lý để có sự vận dụng thích hợp và phải được thực hiện nhất quán trong niên độ kế toán.

Theo đó, việc kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ được hướng dẫn cụ thể như sau:

– Phương pháp kiểm kê định kỳ là phương pháp hạch toán căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế để phản ánh giá trị tồn kho cuối kỳ vật tư, hàng hóa trên sổ kế toán tổng hợp và từ đó tính giá trị của hàng hóa, vật tư đã xuất trong kỳ theo công thức:

Trị giá hàng xuất kho trong kỳ

=

Trị giá hàng tồn kho đầu kỳ

+

Tổng trị giá hàng nhập kho trong kỳ

Trị giá hàng tồn kho cuối kỳ

– Theo phương pháp kiểm kê định kỳ, mọi biến động của vật tư, hàng hóa (nhập kho, xuất kho) không theo dõi, phản ánh trên các tài khoản kế toán hàng tồn kho. Giá trị của vật tư, hàng hóa mua và nhập kho trong kỳ được theo dõi, phản ánh trên một tài khoản kế toán riêng (tài khoản 611 “Mua hàng”).

– Công tác kiểm kê vật tư, hàng hóa được tiến hành cuối mỗi kỳ kế toán để xác định trị giá vật tư, hàng hóa tồn kho thực tế, trị giá vật tư, hàng hóa xuất kho trong kỳ (tiêu dùng cho sản xuất hoặc xuất bán) làm căn cứ ghi sổ kế toán của tài khoản 611 “Mua hàng”.

Như vậy, khi áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ, các tài khoản kế toán hàng tồn kho chỉ sử dụng ở đầu kỳ kế toán (để kết chuyển số dư đầu kỳ) và cuối kỳ kế toán (để phản ánh giá trị thực tế hàng tồn kho cuối kỳ).

– Phương pháp kiểm kê định kỳ thường áp dụng ở các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hóa, vật tư với quy cách, mẫu mã rất khác nhau, giá trị thấp, hàng hóa, vật tư xuất dùng hoặc xuất bán thường xuyên (cửa hàng bán lẻ…).

Phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho có ưu điểm là đơn giản, giảm nhẹ khối lượng công việc hạch toán. Nhưng độ chính xác về giá trị vật tư, hàng hóa xuất dùng, xuất bán bị ảnh hưởng của chất lượng công tác quản lý tại kho, quầy, bến bãi.

Tài khoản 611 – Mua hàng chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ đúng không?

Căn cứ khoản 1 Điều 83 Thông tư 200/2014/TT-BTC quy định về Tài khoản 611 – Mua hàng như sau:

Tài khoản 611 – Mua hàng

1. Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào, nhập kho hoặc đưa vào sử dụng trong kỳ. Tài khoản 611 “Mua hàng” chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.

b) Giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào phản ánh trên tài khoản 611 “Mua hàng” phải thực hiện theo nguyên tắc giá gốc.

c) Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, doanh nghiệp phải tổ chức kiểm kê hàng tồn kho vào cuối kỳ kế toán để xác định số lượng và giá trị của từng nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá, sản phẩm, công cụ, dụng cụ tồn kho đến cuối kỳ kế toán để xác định giá trị hàng tồn kho xuất vào sử dụng và xuất bán trong kỳ.

Đối chiếu với quy định trên thì Tài khoản 611 – Mua hàng, dùng để phản ánh trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào, nhập kho hoặc đưa vào sử dụng trong kỳ.

Tài khoản 611 “Mua hàng” chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.