Hướng dẫn xử lý hóa đơn của công ty đang tạm ngừng kinh doanh theo quy định? Tạm ngừng kinh doanh được hiểu như thế nào?

Hướng dẫn xử lý hóa đơn của công ty đang tạm ngừng kinh doanh theo quy định? Tạm ngừng kinh doanh được hiểu như thế nào?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau hướng dẫn xử lý hóa đơn của công ty đang tạm ngừng kinh doanh theo quy định? Tạm ngừng kinh doanh được hiểu như thế nào? Câu hỏi của anh Q.P.A đến từ TP.HCM.

Tạm ngừng kinh doanh được hiểu như thế nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 41 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về tình trạng pháp lý của doanh nghiệp:

Theo đó, “tạm ngừng kinh doanh” là tình trạng pháp lý của doanh nghiệp đang trong thời gian thực hiện tạm ngừng kinh doanh theo quy định tại khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020.

Ngày chuyển tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày doanh nghiệp đăng ký bắt đầu tạm ngừng kinh doanh.

Ngày kết thúc tình trạng pháp lý “Tạm ngừng kinh doanh” là ngày kết thúc thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà doanh nghiệp đã thông báo hoặc ngày doanh nghiệp đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.

Công ty tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo đến cơ quan nào?

Căn cứ tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh:

Đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh

1. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, doanh nghiệp gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo. Trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh. Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.

2. Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, kèm theo thông báo phải có nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp của Hội đồng thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty hợp danh, của Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên về việc tạm ngừng kinh doanh.

Như vậy, công ty tạm ngừng kinh doanh thì phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh.

Trường hợp công ty có nhu cầu tiếp tục tạm ngừng kinh doanh sau khi hết thời hạn đã thông báo thì phải thông báo cho Phòng Đăng ký kinh doanh chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tiếp tục tạm ngừng kinh doanh.

Thời hạn tạm ngừng kinh doanh của mỗi lần thông báo không được quá một năm.

Hướng dẫn xử lý hóa đơn của công ty đang tạm ngừng kinh doanh theo quy định hiện hành?

Việc xử lý hóa đơn trong giai đoạn tạm ngừng kinh doanh được hướng dẫn tại Công văn 11797/BTC-TCT năm 2014, cụ thể như sau:

(1) Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức chưa thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT

Cơ quan Thuế thông báo bằng văn bản cho công ty biết để tạm dừng kê khai khấu trừ thuế GTGT đối với các hóa đơn có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chờ kết quả chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Người nộp thuế chỉ được thực hiện kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với các hóa đơn không có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

(2) Trường hợp doanh nghiệp, tổ chức đã kê khai khấu trừ thuế GTGT

Cơ quan Thuế tiến hành thông báo bằng văn bản cho công ty biết để kê khai điều chỉnh giảm số thuế GTGT đã khấu trừ.

Trong trường hợp doanh nghiệp khẳng định việc mua bán hàng hóa và hóa đơn GTGT đầu vào sử dụng kê khai khấu trừ là đúng quy định thì doanh nghiệp phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đồng thời, cơ quan thuế phải thực hiện thanh tra, kiểm tra tại trụ sở công ty để kết luận và xử lý vi phạm theo quy định.

Trong quá trình thanh, kiểm tra, cơ quan Thuế phải thực hiện xác minh và đối chiếu với công ty có quan hệ mua bán về một số nội dung sau:

– Kiểm tra, xác minh về hàng hóa: Hợp đồng mua bán hàng hóa (nếu có); hình thức giao nhận hàng; địa điểm giao nhận hàng hóa; phương tiện vận chuyển hàng hóa; chi phí vận chuyển; chủ sở hữu và nguồn gốc hàng hóa (trước thời điểm giao nhận hàng hóa);

– Kiểm tra xác minh về thanh toán: Ngân hàng giao dịch; đối tượng nộp tiền vào tài khoản giao dịch; số tiền thực hiện giao dịch; hình thức thanh toán và chứng từ thanh toán;

– Kiểm tra xác minh về xuất khẩu hàng hóa: Tờ khai hải quan có xác nhận thực xuất của Cơ quan hải quan; chứng từ thanh toán qua ngân hàng và vận đơn (nếu có).