Hướng dẫn kế toán Tài khoản 228 khi doanh nghiệp đầu tư mua cổ phiếu nhưng không có quyền kiểm soát đối với bên được đầu tư?

Hướng dẫn tài khoản 228 (đầu tư khác) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC (Phần 2)

Tham vấn bởi luật sư Phạm Thanh Hữu

Chuyên viên pháp lý Ánh Hồng

08:02 31/03/23

PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP tiếp tục cập nhật hướng dẫn tài khoản 228 (Đầu tư khác) theo Thông tư 200/2014/TT-BTC qua bài viết sau:

Tại phần 1 của bài viết đã hướng dẫn về nguyên tắc kế toán, kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 228 (Đầu tư khác), sau đây PHÁP LUẬT DOANH NGHIỆP sẽ hướng dẫn về phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu của tài khoản 228 theo quy định tại khoản 3 Điều 43 Thông tư 200/2014/TT-BTC, cụ thể như sau:

3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu của tài khoản 228 (Đầu tư khác)

3.1. Đầu tư mua cổ phiếu hoặc góp vốn dài hạn nhưng không có quyền kiểm soát

Khi doanh nghiệp đầu tư mua cổ phiếu hoặc góp vốn dài hạn nhưng không có quyền kiểm soát, đồng kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể đối với bên được đầu tư:

(i) Trường hợp đầu tư bằng tiền

Nợ tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281) (theo giá gốc khoản đầu tư + Chi phí trực tiếp liên quan đến hoạt động đầu tư, như chi phí môi giới,…).

Có các tài khoản 111, 112.

(ii) Trường hợp đầu tư bằng tài sản phi tiền tệ:

– Trường hợp góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ, căn cứ vào giá đánh giá lại vật tư, hàng hoá, tài sản cố định, ghi:

Nợ tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281).

Nợ tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn).

Nợ tài khoản 811 – Chi phí khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của tài sản cố định).

Có các tài khoản 152, 153, 156, 211, 213,…

Có tài khoản 711 – Thu nhập khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của tài sản cố định).

– Trường hợp mua lại phần vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ:

+ Trường hợp trao đổi bằng tài sản cố định:

Nợ tài khoản 811 – Chi phí khác (giá trị còn lại của tài sản cố định đưa đi trao đổi).

Nợ tài khoản 214 – Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn).

Có các tài khoản 211, 213 (nguyên giá).

Đồng thời ghi nhận thu nhập khác và tăng khoản đầu tư dài hạn khác do trao đổi tài sản cố định:

Nợ tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281) (tổng giá thanh toán).

Có tài khoản 711 – Thu nhập khác (giá trị hợp lý khoản đầu tư nhận được).

Có tài khoản 3331 – Thuế giá trị gia tăng phải nộp (tài khoản 33311) (nếu có).

+ Trường hợp trao đổi bằng sản phẩm, hàng hoá, khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá đưa đi trao đổi, ghi:

Nợ tài khoản 632 – Giá vốn hàng bán.

Có các tài khoản 155, 156,…

Đồng thời phản ánh doanh thu bán hàng và ghi tăng khoản đầu tư khác:

Nợ tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281) (tổng giá thanh toán).

Có tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá trị hợp lý của khoản đầu tư nhận được).

Có tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311).

3.2. Chia cổ tức, lợi nhuận bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ (trừ nhận cổ tức bằng cổ phiếu)

Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ (ngoại trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu):

– Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn sau ngày đầu tư, ghi:

Nợ tài khoản 138 – Phải thu khác (1388).

Có tài khoản 515 – Doanh thu hoạt động tài chính.

– Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư, ghi:

Nợ tài khoản 138 – Phải thu khác (1388).

Có tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281).

– Trường hợp nhận được khoản cổ tức, lợi nhuận mà khoản cổ tức, lợi nhuận đó đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá và ghi tăng vốn Nhà nước, ghi:

Nợ tài khoản 138 – Phải thu khác (1388).

Có tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281).

3.3. Bán một phần khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh dẫn đến không còn quyền kiểm soát

Khi nhà đầu tư bán một phần khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết dẫn đến không còn quyền kiểm soát hoặc không còn quyền đồng kiểm soát hoặc không còn ảnh hưởng đáng kể, ghi:

Nợ các tài khoản 111, 112, 131…

Nợ tài khoản 228 – Đầu tư khác (2281).

Nợ tài khoản 635 – Chi phí tài chính (nếu lỗ).

Có các tài khoản 221, 222.

Có tài khoản 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).

3.4. Thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư khác

– Trường hợp bán, thanh lý có lãi, ghi:

Nợ các tài khoản 111, 112,131…

Có tài khoản 228 – Đầu tư khác (giá trị ghi sổ).

Có tài khoản 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (giá bán lớn hơn giá trị ghi sổ).

– Trường hợp bán, thanh lý bị lỗ, ghi:

Nợ các tài khoản 111, 112,131…

Nợ tài khoản 635 – Chi phí tài chính (giá bán nhỏ hơn giá trị ghi sổ).

Có tài khoản 228 – Đầu tư khác (giá trị ghi sổ).

3.5. Góp thêm vốn và trở thành công ty mẹ hoặc bên có quyền đồng kiểm soát

Khi nhà đầu tư góp thêm vốn và trở thành công ty mẹ, bên có quyền đồng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể, ghi:

Nợ các tài khoản 221, 222.

Có các tài khoản 111, 112 (số tiền đầu tư thêm).

Có tài khoản 228 – Đầu tư khác.