Hướng dẫn đọc báo cáo tài chính

1. Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh là báo báo tổng hợp, phản ánh tình hình và kết quả kinh doanh, lãi hay lỗ của doanh nghiệp trong một kỳ hoạt động.
Báo cáo KQKD thể hiện doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp đạt được trong kỳ thông qua các hoạt động kinh doanh thông thường, hoạt động tài chính và các hoạt động khác.

Đọc báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh cần nắm được những thông tin chính nhất bao gồm:

Tổng doanh thu, chi phí, lợi nhuận số liệu giá trị tuyệt đối là bao nhiêu;
Lợi nhuận chủ yếu được sinh ra từ hoạt động nào: hoạt động kinh doanh, hoạt động tài chính hay hoạt động khác;
Sự thay đổi của doanh thu, chi phí, lợi nhuận có cùng chiều;
Chi phí của hoạt động nào, khâu nào đang làm vấn đề nổi cộm;

2. Đọc Bảng cân đối kế toán
Phần tài sản: Tài sản của doanh nghiệp phản ánh quy mô và nguồn lực mà doanh nghiệp đang nắm giữ.

Trong đó:

Tài sản ngắn hạn: là những tài sản có thời gian sử dụng ngắn dưới 12 tháng hoặc 1 chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp và thường xuyên thay đổi hình thái giá trị trong quá trình sử dụng. Đối với doanh nghiệp, tài sản ngắn hạn thường bao gồm: tiền và các khoản tương đương tiền, hàng tồn kho, phải thu, đầu tư ngắn hạn.

Tài sản dài hạn: Là những tài sản có thời gian sử dụng, luân chuyển và thu hồi dài trên 12 tháng hoặc trong nhiều chu kỳ kinh doanh. Tài sản dài hạn thường bao gồm: tài sản cố định, các khoản đầu tư tài chính dài hạn, các khoản phải thu dài hạn… Các tài sản này tạo nên nền tảng, cơ sở cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như nhà xưởng, máy móc, thiết bị.

Đọc bảng cân đối kế toán phần tài sản cần nắm được những thông tin chính nhất bao gồm:

Giá trị của tổng tài sản và cấu thành tài sản bao gồm những loại gì
Phần lớn tài sản của doanh nghiệp đang tập trung ở đâu
So sánh sơ bộ đầu kỳ và cuối kỳ thì tài sản nào tăng, tài sản nào giảm, tỷ lệ tăng giảm ra sao…
Phần nguồn vốn: Nguồn vốn cho biết tài sản của đơn vị do đâu mà có và đơn vị phải có những trách nhiệm kinh tế, pháp lý gì đối với các nguồn đó. Ví dụ như để đầu tư mua máy móc thiết bị, doanh nghiệp có thể sử dụng nguồn tiền tự có, vay vốn ngân hàng hoặc kết hợp cả hai nguồn trên. Cơ cấu nguồn vốn được chia thành Nợ phải trả và Vốn chủ sở hữu.

Nợ phải trả: bao gồm Nợ ngắn hạn và Nợ dài hạn tuần tự đề cập đến nghĩa vụ nợ trong thời hạn không quá 1 năm và trên 1 năm của doanh nghiệp. Đây là nguồn vốn bổ sung quan trọng nhằm đáp ứng đủ vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh, tuy nhiên doanh nghiệp cần phải sử dụng và quản lý các khoản nợ một cách hiệu quả nhằm đảm bảo có khả năng thanh toán cũng như có tích luỹ để mở rộng và phát triển doanh nghiệp.

Vốn chủ sở hữu: nguồn tài trợ xuất phát từ chính chủ sở hữu doanh nghiệp, đây cũng chính là phần còn lại trong tài sản của công ty sau khi các khoản nợ đã được trả. Vốn chủ sở hữu có vị trí và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc duy trì và phát triển hoạt động của doanh nghiệp do đây là nguồn vốn sử dụng dài hạn và không có cam kết phải thanh toán.

Đọc bảng cân đối kế toán phần nguồn vốn cần nắm được những thông tin chính nhất bao gồm:

Nguồn vốn hình thành của doanh nghiệp từ nợ và vốn chủ là bao nhiêu, nguồn nào chiếm tỷ trọng lớn hơn;
Với nguồn nợ phải trả thì tập trung vào nợ ngắn hạn hay nợ dài hạn;
So sánh thời điểm đầu kỳ, cuối kỳ thì nguồn nào tăng, nguồn nào giảm, mức tăng giảm có hợp lý không…

3. Đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Báo cáo lưu chuyển tiền tệ thể hiện chi tiết tình hình thu, chi và biến động dòng tiền của doanh nghiệp, được phân chia cụ thể theo hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Dòng tiền ra của doanh nghiệp được thể hiện dưới giá trị âm, trong khi dòng tiền vào là số dương.

Kết cấu của báo cáo lưu chuyển tiền tệ

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh: là dòng tiền phát sinh trong quá trình thực hiện các giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh thông thường của doanh nghiệp như thu tiền bán hàng, thanh toán cho nhà cung cấp, trả tiền lương…

Đây là dòng tiền mà bản thân doanh nghiệp làm ra, chứ không phải từ việc huy động thêm vốn đầu tư hay vay nợ. Do đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh rất được quan tâm và phân tích nhằm đánh giá khả năng tạo tiền của doanh nghiệp cũng như đánh giá chất lượng, sự bền vững của con số lợi nhuận trong báo cáo KQKD.

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư: bao gồm dòng tiền vào và dòng tiền ra có liên quan đến hoạt động đầu tư, mua sắm, thanh lý… tài sản cố định và các khoản đầu tư tài chính, tài sản dài hạn khác.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính: liên quan đến việc tăng/giảm vốn chủ sở hữu (nhận vốn góp mới, thu từ phát hành cổ phiếu, trả cổ tức cho cổ đông…) và vay nợ (chi trả nợ gốc vay, hay vay nợ mới nhận được…)

Về bản chất, quá trình lưu chuyển tiền tệ trong doanh nghiệp dựa trên quan hệ cân đối của dòng tiền trong kỳ và được thể hiện qua phương trình:

Tiền tồn đầu kỳ + Tiền thu trong kỳ – Tiền chi trong kỳ = Tiền tồn cuối kỳ

Đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần nắm được những thông tin chính nhất bao gồm:

Dòng tiền tổng và từ từng hoạt động là âm hay dương, giá trị tuyệt đối;
Tiền được tạo ra từ hoạt động nào, tỷ trọng của từng dòng tiền đóng góp trong tổng dòng tiền vào;
Dòng tiền tăng lên hay giảm đi, nguyên nhân;
Tiền được sử dụng vào việc gì, liệu doanh nghiệp có đang dùng tiền vay sai mục đích không, doanh nghiệp có thể trả cổ tức không;
Nhu cầu của doanh nghiệp đối với các nguồn tài trợ bên ngoài…
Một số lưu ý khi đọc báo cáo lưu chuyển tiền tệ:

Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và bảng cân đối kế toán được lập dựa trên phương pháp kế toán dồn tích: điều đó có nghĩa là doanh thu và chi phí được ghi nhận cho dù có thực thu thực chi hay chưa trong khi báo cáo lưu chuyển tiền tệ chỉ ghi nhận những khoản thực thu thực chi;
Nợ phải thu tăng có nghĩa là thu nhập đã được ghi trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh nhưng tiền chưa thu về được. Do đó, tài khoản phải thu tăng sẽ làm giảm dòng tiền hoạt động trong thời kỳ này;
Khoản phải trả tăng có nghĩa là chi phí đã phát sinh nhưng công ty lại chưa trả tiền. Do đó, bất kỳ khoản phải trả nào tăng lên đều làm dòng tiền ròng của công ty tăng lên;
Chi phí khấu hao được phân bổ dần trong 1 khoảng thời gian dài trên bảng cân đối kế toán nhưng lại chỉ ghi nhận tất cả chi phí 1 lần trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ khi DN chi tiền ra đầu tư tài sản cố định…

4. Đọc thuyết minh báo cáo tài chính
Thuyết minh báo cáo tài chính cung cấp các thông tin chung về đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp, kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ, chuẩn mực chế độ kế toán áp dụng, chi tiết các số liệu liên quan đến các báo cáo… Do đó, việc đọc số liệu chi tiết được trình bày trong thuyết minh báo cáo tài chính giúp nhà quản trị hiểu rõ hơn số liệu chi tiết cấu thành nên các chỉ tiêu trong các báo cáo.

Ngoài ra, thuyết minh báo cáo tài chính còn cung cấp các thông tin khác như các khoản nợ tiềm tàng, khoản cam kết, các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm, thông tin về các bên liên quan… Đây là những thông tin quan trọng mà nhà quản trị cần xem xét chi tiết ở thuyết minh báo cáo tài chính.

Sau khi đọc hiểu được các chỉ số trên từng báo cáo và hệ thống được số liệu của các bảng báo cáo trong báo cáo tài chính của một năm, nhà quản trị cần có những phân tích sâu hơn về số liệu kế toán của năm đó, so sánh với các năm trước đó, so sánh với đối thủ cùng ngành hay chỉ số trung bình ngành… để có được phân tích rõ nét hơn về bức tranh tài chính của doanh nghiệp.