Hợp tác xã được giảm vốn điều lệ khi nào? Hợp tác xã giảm vốn điều lệ phải được sự đồng ý của ai?



Hợp tác xã được giảm vốn điều lệ khi nào? Hợp tác xã giảm vốn điều lệ phải được sự đồng ý của ai? Có thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã khi giảm vốn điều lệ hợp tác xã theo quy định hiện hành?



Hợp tác xã được giảm vốn điều lệ khi nào?

Căn cứ theo Điều 78 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:

Tăng, giảm vốn điều lệ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

1. Vốn điều lệ tăng trong trường hợp sau đây:

a) Tăng phần vốn góp của thành viên;

b) Tiếp nhận phần vốn góp của thành viên mới.

2. Vốn điều lệ giảm trong trường hợp sau đây:

a) Thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết khi quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 74 của Luật này;

b) Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp cho thành viên.

3. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã chỉ được giảm vốn điều lệ khi bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho thành viên.

Như vậy, hợp tác xã chỉ được giảm vốn điều lệ khi bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả phần vốn góp cho thành viên.

Theo đó, hợp tác xã giảm vốn điều lệ trong trường hợp:

– Thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ phần vốn góp đã cam kết khi quá thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 74 Luật Hợp tác xã 2023;

– Hợp tác xã trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp cho thành viên.

Lưu ý: Trường hợp vốn điều lệ giảm dẫn đến thành viên có phần vốn góp vượt quá vốn góp tối đa thì hợp tác xã thực hiện một hoặc một số biện pháp sau để bảo đảm về vốn góp tối đa theo quy định của Luật này và Điều lệ:

– Trả lại phần vốn vượt vốn góp tối đa cho thành viên;

– Huy động thêm vốn góp của thành viên khác;

– Kết nạp thành viên mới.

Hợp tác xã được giảm vốn điều lệ khi nào?

Hợp tác xã được giảm vốn điều lệ khi nào? Hợp tác xã giảm vốn điều lệ phải được sự đồng ý của ai? (hình từ internet)

Hợp tác xã giảm vốn điều lệ phải được sự đồng ý của ai?

Căn cứ theo Điều 64 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:

Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị đầy đủ

4. Thông qua việc góp vốn, mua cổ phần, thành lập doanh nghiệp, liên danh, liên kết; tham gia vào hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khác, tổ chức đại diện.

5. Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.

Đồng thời, theo Điều 70 Luật Hợp tác xã 2023 quy định như sau:

Thẩm quyền của Đại hội thành viên theo tổ chức quản trị rút gọn

5. Thông qua việc tăng, giảm vốn điều lệ, vốn góp tối thiểu; việc huy động vốn; việc trả lại một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp; định giá hoặc thông qua kết quả định giá tài sản và tài sản chung không chia; quy chế quản lý, sử dụng tài sản và quỹ.

Như vậy, đối chiếu theo quy định nêu trên thì hợp tác xã giảm vốn điều lệ phải được sự đồng ý của Đại hội thành viên của hợp tác xã.

Có thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã khi giảm vốn điều lệ hợp tác xã?

Căn cứ theo Điều 47 Luật Hợp tác xã 2023 quy định về việc đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã như sau:

Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã

1. Hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã phải đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã khi thay đổi một trong các thông tin quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 45 của Luật này hoặc khi thay đổi vốn điều lệ từ 5% vốn điều lệ hoặc từ 01 tỷ đồng trở lên hoặc khi tổ chức lại hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Việc thay đổi được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã gửi hồ sơ đăng ký thay đổi đến cơ quan đăng ký kinh doanh;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã; trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan đăng ký kinh doanh phải thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Như vậy, hợp tác xã giảm vốn điều lệ từ 5% trở lên thì phải làm thủ tục thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác.

Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giảm vốn điều lệ, hợp tác xã gửi hồ sơ đăng ký thay đổi đến cơ quan đăng ký kinh doanh để thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.