Hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp có được xem là khoản vay nước ngoài hay không?

Tôi có thắc mắc muốn được giải đáp như sau bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế có phải đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh không? Hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp có được xem là khoản vay nước ngoài hay không? Câu hỏi của anh P.G.H đến từ TP.HCM.

Hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp có được xem là khoản vay nước ngoài hay không?

Căn cứ tại khoản 1, khoản 5 Điều 3 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định như sau:

1. Khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là khoản vay tự vay, tự trả) và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay.

5. Công cụ nợ là tín phiếu, hối phiếu nhận nợ, trái phiếu do bên đi vay phát hành ngoài lãnh thổ Việt Nam cho người không cư trú.

Như vậy, hoạt động phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp vẫn được xem là khoản vay nước ngoài theo quy định.

Trong đó, trái phiếu quốc tế được định nghĩa tại khoản 16 Điều 2 Nghị định 53/2009/NĐ-CP:

Trái phiếu quốc tế: là chứng chỉ vay nợ có mệnh giá, có thời hạn, có lãi, do Chính phủ hoặc các doanh nghiệp của Việt Nam phát hành để vay vốn trên thị trường tài chính quốc tế phục vụ cho nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế.

Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế có phải đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh không?

Căn cứ tại Điều 4 Thông tư 08/2023/TT-NHNN về áp dụng quy định pháp luật liên quan:

Áp dụng quy định pháp luật liên quan

1. Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay quy định tại Thông tư này, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay quy định tại Thông tư này, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế phải đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh quy định tại Thông tư 08/2023/TT-NHNN.

Đồng thời, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bên đi vay có phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của văn bản chứng minh mục đích vay nước ngoài hay không?

Căn cứ tại Điều 19 Thông tư 08/2023/TT-NHNN về trách nhiệm của bên đi vay:

Trách nhiệm của bên đi vay

1. Tuân thủ các quy định về điều kiện vay nước ngoài tại Thông tư này và quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối.

2. Tự chịu trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật dân sự, pháp luật về doanh nghiệp, pháp luật về đầu tư, giao dịch bảo đảm, phòng chống rửa tiền, pháp luật chuyên ngành, các quy định khác của pháp luật có liên quan và tập quán quốc tế khi ký kết và thực hiện khoản vay nước ngoài.

3. Tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của văn bản chứng minh mục đích vay nước ngoài và đảm bảo sử dụng vốn vay nước ngoài theo đúng văn bản chứng minh mục đích vay nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 14 và khoản 4 Điều 17 Thông tư này.

4. Lưu trữ đầy đủ chứng từ, tài liệu chứng minh việc sử dụng vốn vay nước ngoài phù hợp với mục đích vay nước ngoài quy định tại Điều 14 và Điều 17 Thông tư này, chứng từ tài liệu liên quan đến việc thay đổi bảng kê nhu cầu sử dụng vốn (nếu có) theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Thông tư này và xuất trình đầy đủ các tài liệu nêu trên để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền.

5. Lập bảng theo dõi mỗi khoản tiền nhàn rỗi trong trường hợp gửi tiền có kỳ hạn tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam theo nguyên tắc sử dụng vốn quy định tại Điều 6 Thông tư này và xuất trình cùng với tài liệu chứng minh đáp ứng quy định tại Điều 6 Thông tư này để phục vụ việc thanh tra, kiểm tra việc sử dụng vốn vay nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền khi cần thiết.

Như vậy, bên đi vay phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của văn bản chứng minh mục đích vay nước ngoài và đảm bảo sử dụng vốn vay nước ngoài theo đúng văn bản chứng minh mục đích vay nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 14 và khoản 4 Điều 17 Thông tư này.