Hóa đơn điện tử cấp theo từng lần phát sinh không có chữ ký số thì có trái quy định pháp luật không?

Bên em đang bị cưỡng chế hóa đơn không sử dụng được hóa đơn và có yêu cầu cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh. Tuy nhiên, chữ ký số không sử dụng được do hết hạn, vậy cho em hỏi hóa đơn này không có chữ số có sử dụng được không? Câu hỏi của bạn V từ Cà Mau.

Hóa đơn điện tử cấp theo từng lần phát sinh không có chữ ký số thì có trái quy định pháp luật không?

Căn cứ Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định như sau:

Áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

2. Quy định về cấp và kê khai xác định nghĩa vụ thuế khi cơ quan thuế cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh như sau:

a) Loại hóa đơn cấp theo từng lần phát sinh

a.1) Cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh là hóa đơn bán hàng trong các trường hợp:

– Doanh nghiệp sau khi đã giải thể, phá sản, đã chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;

– Doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp thuộc các trường hợp sau:

+ Ngừng hoạt động kinh doanh nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế có phát sinh thanh lý tài sản cần có hóa đơn để giao cho người mua;

+ Tạm ngừng hoạt động kinh doanh cần có hóa đơn giao cho khách hàng để thực hiện các hợp đồng đã ký trước ngày cơ quan thuế thông báo tạm ngừng kinh doanh;

+ Bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn.

Đồng thời, căn cứ khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định:

Nội dung của hóa đơn

14. Một số trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết có đầy đủ các nội dung

b) Đối với hóa đơn điện tử của cơ quan thuế cấp theo từng lần phát sinh không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán, người mua.

c) Đối với hóa đơn điện tử bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại mà người mua là cá nhân không kinh doanh thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế người mua.

Theo đó, đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh thuộc diện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp mà bị cơ quan thuế cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn thì được cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo từng lần phát sinh.

Đồng thời, hóa đơn này không yêu cầu nhất thiết phải có chữ ký số của người bán và người mua.

Như vậy, nếu đáp ứng được các điều kiện nói trên thì hóa đơn điện tử cấp theo từng lần phát sinh không có chữ ký số vẫn được xem là hợp lệ.

Chữ ký số của người bán là doanh nghiệp trên hóa đơn điện tử là chữ ký nào?

Chữ ký số của người bán là doanh nghiệp trên hóa đơn điện tử được quy định tại khoản 7 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

Nội dung của hóa đơn

7. Chữ ký của người bán, chữ ký của người mua, cụ thể:

a) Đối với hóa đơn do cơ quan thuế đặt in, trên hóa đơn phải có chữ ký của người bán, dấu của người bán (nếu có), chữ ký của người mua (nếu có).

b) Đối với hóa đơn điện tử:

Trường hợp người bán là doanh nghiệp, tổ chức thì chữ ký số của người bán trên hóa đơn là chữ ký số của doanh nghiệp, tổ chức; trường hợp người bán là cá nhân thì sử dụng chữ ký số của cá nhân hoặc người được ủy quyền.

Trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán và người mua thực hiện theo quy định tại khoản 14 Điều này.

8. Thời điểm lập hóa đơn thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 9 Nghị định này và được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch.

Theo đó, đối với hoá đơn điện tử, trường hợp người bán là doanh nghiệp thì chữ ký số của người bán trên hóa đơn là chữ ký số của doanh nghiệp.

Trường hợp hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký số của người bán và người mua thực hiện theo quy định tại khoản 14 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP.

Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm nào?

Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử được quy địh tại khoản 9 Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP như sau:

Nội dung của hóa đơn

9. Thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.

10. Mã của cơ quan thuế đối với hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

11. Phí, lệ phí thuộc ngân sách nhà nước, chiết khấu thương mại, khuyến mại (nếu có) theo hướng dẫn tại điểm e khoản 6 Điều này và các nội dung khác liên quan (nếu có).

12. Tên, mã số thuế của tổ chức nhận in hóa đơn đối với hóa đơn do cơ quan thuế đặt in.

Như vậy, thời điểm ký số trên hóa đơn điện tử là thời điểm người bán, người mua sử dụng chữ ký số để ký trên hóa đơn điện tử được hiển thị theo định dạng ngày, tháng, năm của năm dương lịch.

Trường hợp hóa đơn điện tử đã lập có thời điểm ký số trên hóa đơn khác thời điểm lập hóa đơn thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn.