Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả sẽ bao gồm những tài liệu nào?

Tôi có một câu hỏi như sau: Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả sẽ bao gồm những tài liệu nào? Tôi mong nhận được câu trả lời sớm. Câu hỏi của chị N.T.D ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

Chế biến và bảo quản rau quả có mã ngành kinh tế bao nhiêu?

Chế biến và bảo quản rau quả có mã ngành kinh tế được quy định tại STT 10 Phần C Mục II Phụ lục II – Nội dung Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định 27/2018/QĐ-TTg như sau:

103 – 1030: Chế biến và bảo quản rau quả

10301: Sản xuất nước ép từ rau quả

Nhóm này gồm:

Sản xuất nước ép không cô đặc từ các loại rau và quả, không lên men và không chứa cồn.

– Sản xuất nước ép hỗn hợp từ rau và quả.

10309: Chế biến và bảo quản rau quả khác

Nhóm này gồm:

– Chế biến thực phẩm chủ yếu là rau quả, trừ các thức ăn đã chế biến sẵn để lạnh;

– Bảo quản rau, quả, hạt bằng phương pháp đông lạnh, sấy khô, ngâm dầu,…

– Chế biến thức ăn từ rau quả;

– Chế biến mứt rau quả;

– Chế biến mứt sệt, mứt đóng khuôn và mứt dạng nước (thạch hoa quả);

– Chế biến và bảo quản khoai tây như: chế biến khoai tây làm lạnh; chế biến khoai tây nghiền làm khô; chế biến khoai tây rán; chế biến khoai tây giòn và chế biến bột khoai tây;

– Rang các loại hạt;

– Chế biến thức ăn từ hạt và thức ăn sệt.

Nhóm này cũng gồm:

– Bóc vỏ khoai tây;

– Bóc vỏ hạt điều, bóc vỏ đậu phộng;

– Sản xuất giá sống;

– Chế biến các thực phẩm cô đặc từ rau quả tươi;

– Sản xuất thực phẩm từ rau quả dễ hỏng làm sẵn như: sa lát, rau đã cắt hoặc gọt, đậu để đông.

Loại trừ:

– Chế biến bột hoặc thức ăn từ hạt khô được phân vào nhóm 1061 (Xay xát và sản xuất bột thô);

– Bảo quản quả và hạt trong đường được phân vào nhóm 10730 (Sản xuất ca cao, sôcôla và mứt kẹo);

– Sản xuất các phần ăn sẵn từ rau được phân vào nhóm 10759 (Sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn khác);

– Sản xuất các thực phẩm cô đặc nhân tạo được phân vào nhóm 10790 (Sản xuất thực phẩm khác chưa được phân vào đâu).

Theo quy định trên, chế biến và bảo quản rau quả sẽ có mã ngành kinh tế là 103 – 1030.

Hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả sẽ bao gồm những tài liệu nào?

Tài liệu trong hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả được quy định tại khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

Đăng ký hộ kinh doanh

1. Đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.

2. Hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh bao gồm:

a) Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

c) Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;

d) Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

3. Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).

4. Nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Định kỳ vào tuần làm việc đầu tiên hàng tháng, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện gửi danh sách hộ kinh doanh đã đăng ký tháng trước cho Cơ quan thuế cùng cấp, Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp tỉnh.

Theo đó, hồ sơ đăng ký thành lập hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả gồm những tài liệu sau:

– Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh.

– Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

– Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

– Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.

Hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm không?

Việc hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả được hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm không, theo quy định tại Điều 86 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh

1. Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh.

2. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.

Như vậy, hộ kinh doanh chế biến và bảo quản rau quả có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh.

Đồng thời hộ kinh doanh phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.