Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các mẫu báo cáo nào?

Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các mẫu báo cáo nào?

Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các mẫu báo cáo nào? Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán khi nào? Việc doanh nghiệp nhỏ và vừa lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Doanh nghiệp nhỏ và vừa được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán khi nào?

Căn cứ theo Điều 5 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định về đơn vị tiền tệ như sau:

Đơn vị tiền tệ trong kế toán

“Đơn vị tiền tệ trong kế toán” là Đồng Việt Nam (ký hiệu quốc gia là “đ”; ký hiệu quốc tế là “VND”) được dùng để ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ, đáp ứng được các tiêu chuẩn quy định tại Điều 6 Thông tư này thì được chọn một loại ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để ghi sổ kế toán.

Bên cạnh đó, đơn vị tiền tệ trong kế toán mà doanh nghiệp lựa chọn phải đáp ứng các tiêu chuẩn tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 133/2016/TT-BTC:

(i) Đơn vị tiền tệ trong kế toán là đơn vị tiền tệ:

– Được sử dụng chủ yếu trong các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, có ảnh hưởng lớn đến giá bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để niêm yết giá bán và được thanh toán; và

– Được sử dụng chủ yếu trong việc mua hàng hóa, dịch vụ, có ảnh hưởng lớn đến chi phí nhân công, nguyên vật liệu và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác, thông thường chính là đơn vị tiền tệ dùng để thanh toán cho các chi phí đó.

(ii) Các yếu tố sau đây cũng được xem xét và cung cấp bằng chứng về đơn vị tiền tệ trong kế toán của đơn vị:

– Ngoại tệ là đơn vị tiền tệ sử dụng để huy động các nguồn lực tài chính (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu).

– Ngoại tệ là đơn vị tiền tệ thường xuyên thu được từ các hoạt động kinh doanh và được tích trữ lại.

(iii) Đơn vị tiền tệ trong kế toán phản ánh các giao dịch, sự kiện, điều kiện liên quan đến hoạt động của đơn vị.

Và tại Điều 8 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định như sau:

Thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán

Khi có sự thay đổi lớn về hoạt động quản lý và kinh doanh dẫn đến đơn vị tiền tệ kế toán được sử dụng trong các giao dịch kinh tế không còn thỏa mãn các tiêu chuẩn tại khoản 2, 3 Điều 6 Thông tư này thì doanh nghiệp được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán. Việc thay đổi từ một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán này sang một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán khác chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới.

Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi đơn vị tiền tệ.

Như vậy, khi có sự thay đổi lớn về hoạt động quản lý và kinh doanh dẫn đến đơn vị tiền tệ kế toán được sử dụng trong các giao dịch kinh tế không còn thỏa mãn các tiêu chuẩn (i) và (ii) nêu trên thì doanh nghiệp được thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.

Lưu ý:

– Việc thay đổi từ một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán này sang một đơn vị tiền tệ ghi sổ kế toán khác chỉ được thực hiện tại thời điểm bắt đầu niên độ kế toán mới.

– Doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán chậm nhất là sau 10 ngày làm việc kể từ ngày thay đổi đơn vị tiền tệ.

Việc doanh nghiệp nhỏ và vừa lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán phải đảm bảo nguyên tắc nào?

Căn cứ Điều 79 Thông tư 133/2016/TT-BTC có quy định nguyên tắc lập Báo cáo tài chính khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán. Cụ thể:

(1) Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ kế toán mới theo tỷ giá chuyển khoản trung bình của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán.

(2) Khi trình bày thông tin so sánh (cột kỳ trước) trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của kỳ có sự thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, đơn vị áp dụng tỷ giá chuyển khoản trung bình kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi.

(3) Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán.

Hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm các mẫu báo cáo nào?

Theo quy định tại điểm a khoản 1, điểm a khoản 2 Điều 71 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì khi lập báo cáo tài chính, các doanh nghiệp phải tuân thủ biểu mẫu báo cáo tài chính theo quy định.

Theo đó, hệ thống báo cáo tài chính năm bắt buộc của doanh nghiệp nhỏ và vừa bao gồm:

(1) Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

– Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01a – DNN hoặc theo Mẫu số B01b – DNN (tùy theo yêu cầu và đặc điểm quản lý của doanh nghiệp):

  Mẫu số B01a – DNN

 Mẫu số B01b – DNN

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo Mẫu số B02 – DNN:

 Mẫu số B02 – DNN

– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính theo Mẫu số B09 – DNN:

  Mẫu số B09 – DNN

Ngoài ra, Báo cáo tài chính gửi cho cơ quan thuế phải lập và gửi thêm Bảng cân đối tài khoản theo Mẫu số F01 – DNN.

 Mẫu số F01 – DNN.

(2) Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa không đáp ứng giả định hoạt động liên tục:

– Báo cáo tình hình tài chính theo Mẫu số B01 – DNNKLT:

  Mẫu số B01 – DNNKLT

– Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh theo Mẫu số B02 – DNN:

  Mẫu số B02 – DNN

– Bản thuyết minh Báo cáo tài chính theo Mẫu số B09 – DNNKLT:

  Mẫu số B09 – DNNKLT

(Các mẫu nêu trên được ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC)

Lưu ý: Doanh nghiệp có thể lập thêm các báo cáo khác để phục vụ yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.