Giới hạn mức mua cổ phần của ngân hàng thương mại vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm là bao nhiêu?



Ngân hàng thương mại có được mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm không? Giới hạn mức mua cổ phần của ngân hàng thương mại vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm là bao nhiêu? Ngân hàng thương mại có được đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình hay không?



Ngân hàng thương mại có được mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 111 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có quy định như sau:

Góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại

3. Ngân hàng thương mại được thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết hoạt động trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng.

4. Ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sau đây:

a) Bảo hiểm, chứng khoán, kiều hối, vàng, bao thanh toán, phát hành thẻ tín dụng, tín dụng tiêu dùng, dịch vụ trung gian thanh toán, thông tin tín dụng;

b) Lĩnh vực khác không quy định tại điểm a khoản này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

5. Ngân hàng thương mại thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

6. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định điều kiện, hồ sơ, thủ tục chấp thuận việc thành lập, mua lại công ty con, công ty liên kết và việc góp vốn, mua cổ phần của ngân hàng thương mại; điều kiện tăng vốn tại công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại; hoạt động của công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại trong lĩnh vực quản lý nợ và khai thác tài sản.

Như vậy, theo quy định trên thì ngân hàng thương mại được góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm.

Giới hạn mức mua cổ phần của ngân hàng thương mại vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm là bao nhiêu?

Ngân hàng thương mại có được mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm không? (Hình từ Internet)

Giới hạn mức mua cổ phần của ngân hàng thương mại vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm là bao nhiêu?

Căn cứ Điều 137 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về giới hạn góp vốn, mua cổ phần như sau:

Giới hạn góp vốn, mua cổ phần

1. Mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quy định tại khoản 4 Điều 111 của Luật này không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

2. Tổng mức góp vốn, mua cổ phần của một ngân hàng thương mại vào các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 8 Điều 111 của Luật này không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Như vậy, mức mua cổ phần của một ngân hàng thương mại và công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại đó vào một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm không được vượt quá 11% vốn điều lệ của doanh nghiệp nhận vốn góp.

Lưu ý: Tổng mức mua cổ phần của ngân hàng thương mại vào doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, kể cả công ty con, công ty liên kết của ngân hàng thương mại không được vượt quá 40% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ của ngân hàng thương mại.

Ngân hàng thương mại có được đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình hay không?

Căn cứ Điều 144 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 về vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như sau:

Vốn và sử dụng vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

1. Vốn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bao gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động, vốn khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng vốn để kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình, bảo đảm tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản cố định như sau:

a) Không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô;

b) Không được vượt quá 100% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán đối với quỹ tín dụng nhân dân;

c) Không được vượt quá 50% vốn được cấp và quỹ dự trữ bổ sung vốn được cấp ghi trên sổ sách kế toán đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Như vậy, ngân hàng thương mại được đầu tư tài sản cố định phục vụ trực tiếp cho hoạt động của mình.

Tuy nhiên, việc đầu tư tài sản cố định của ngân hàng thương mại phải bảo đảm tỷ lệ giá trị còn lại của tài sản cố định không được vượt quá 50% vốn điều lệ và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ ghi trên sổ sách kế toán.