Download mẫu quy chế lương thưởng của công ty mới nhất? Nguyên tắc trả lương cho người lao động?

quy chế lương thưởng của công ty mới nhất? Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền gì trong việc xây dựng quy chế lương thưởng của công ty? Nguyên tắc trả lương cho người lao động?

Căn cứ Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 quy định: Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.

Người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau.

Đồng thời, tại Điều 104 Bộ luật Lao động 2019 cũng có giải thích: Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Bên cạnh đó, quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Tuy nhiên, hiện tại Bộ luật Lao động 2019 cũng như các văn bản có liên quan chưa có quy định cụ thể về mẫu quy chế lương thưởng của công ty. Do đó, các công ty khi xây dựng quy chế lương thưởng có thể tham khảo mẫu dưới đây:

Lưu ý: Mẫu quy chế trên chỉ mang tính chất tham khảo. Quý công ty có thể sửa đổi, bổ sung sao cho phù hợp với nhu cầu của đơn vị nhưng phải đảm bảo không được trái với quy định pháp luật.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền gì trong việc xây dựng quy chế lương thưởng của công ty?

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động thông qua thương lượng tập thể hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp. (khoản 3 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019)

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động được quy định tại Điều 178 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở trong quan hệ lao động

1. Thương lượng tập thể với người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật này.

2. Đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật này.

3. Được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động và những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là thành viên của mình.

4. Đại diện cho người lao động trong quá trình giải quyết khiếu nại, tranh chấp lao động cá nhân khi được người lao động ủy quyền.

5. Tổ chức và lãnh đạo đình công theo quy định của Bộ luật này.

6. Tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu pháp luật về lao động; về trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện người lao động và việc tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được cấp đăng ký.

7. Được người sử dụng lao động bố trí nơi làm việc và được cung cấp thông tin, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

8. Các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trong việc xây dựng quy chế lương thưởng của công ty, Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được tham khảo ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện quy chế trả lương, quy chế thưởng đối với người lao động là thành viên của mình.

Nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định thế nào?

Nguyên tắc trả lương cho người lao động được quy định cụ thể tại Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

(1) Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.

(2) Người sử dụng lao động không được hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động; không được ép buộc người lao động chi tiêu lương vào việc mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ của người sử dụng lao động hoặc của đơn vị khác mà người sử dụng lao động chỉ định.