Doanh nghiệp tái bảo hiểm có được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận trong một hợp đồng tái bảo hiểm không?

Cho anh hỏi doanh nghiệp tái bảo hiểm có được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận trong một hợp đồng tái bảo hiểm cho doanh nghiệp khác không? Việc nhượng tái bảo hiểm bị nghiêm cấm trong trường hợp nào? Câu hỏi của anh N.Q.L từ Phan Thiết.

Doanh nghiệp tái bảo hiểm có được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận trong một hợp đồng tái bảo hiểm không?

Điều kiện nhượng tái bảo hiểm được quy định tại khoản 1 Điều 33 Thông tư 67/2023/TT-BTC như sau:

Tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm

1. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam có thể tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm một phần nhưng không được tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận bảo hiểm, nhận tái bảo hiểm trong một hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm cho một hoặc nhiều doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm trong và ngoài nước, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác.

2. Doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải tính toán mức giữ lại cho từng loại hình bảo hiểm và theo từng loại rủi ro; mức giữ lại trên mỗi rủi ro hoặc trên mỗi tổn thất riêng lẻ. Mức giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải đảm bảo quy định tại khoản 4 và 5 Điều này.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 thì nhượng tái bảo hiểm được hiểu là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam chuyển giao một phần trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam khác, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài, tổ chức bảo hiểm nước ngoài trên cơ sở thanh toán phí nhượng tái bảo hiểm.

Đối chiếu với quy định trên thì doanh nghiệp tái bảo hiểm chỉ được nhượng tái bảo hiểm một phần, không được nhượng tái bảo hiểm toàn bộ trách nhiệm đã nhận tái bảo hiểm trong một hợp đồng tái bảo hiểm.

Chương trình nhượng tái bảo hiểm bao gồm những nội dung chủ yếu nào?

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 34 Thông tư 67/2023/TT-BTC, chương trình nhượng tái bảo hiểm bao gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

– Xác định khả năng chấp nhận rủi ro của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam;

– Xác định mức giữ lại phù hợp với rủi ro bảo hiểm được chấp nhận, những giới hạn về mức giữ lại trên một đơn vị rủi ro và mức bảo vệ tối đa từ doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm;

– Xác định các loại hình và phương thức tái bảo hiểm phù hợp nhất với việc quản lý các rủi ro được chấp nhận;

– Phương thức, tiêu chuẩn, quy trình lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm, bao gồm cách thức đánh giá mức độ rủi ro và an toàn tài chính của doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm;

– Danh sách các doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm dự kiến sẽ nhận tái bảo hiểm, lưu ý đến sự đa dạng hóa và xếp hạng các nhà nhận tái bảo hiểm;

– Phương thức sử dụng khoản tiền đặt cọc của doanh nghiệp, tổ chức bảo hiểm nước ngoài nhận tái bảo hiểm (nếu có);

– Quản lý rủi ro tích tụ đối với những lĩnh vực, vùng địa lý và các loại sản phẩm đặc thù;

– Cách thức kiểm soát chương trình tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm bao gồm hệ thống báo cáo và kiểm soát nội bộ.

Việc nhượng tái bảo hiểm bị nghiêm cấm trong trường hợp nào?

Trường hợp nghiêm cấm nhượng tái bảo hiểm được quy định tại Điều 9 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 như sau:

Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

2. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm, môi giới bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.

3. Hoạt động đại lý bảo hiểm, hoạt động dịch vụ phụ trợ bảo hiểm khi không đáp ứng điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.

4. Thực hiện các hành vi gian lận bao gồm:

a) Thông đồng với người thụ hưởng để giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật;

b) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm;

c) Giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra;

d) Tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

5. Đe dọa, cưỡng ép giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, theo quy định, việc nhượng tái bảo hiểm bị nghiêm cấm trong các trường hợp sau đây:

– Hoạt động nhượng tái bảo hiểm khi không có giấy phép thành lập và hoạt động.

– Hoạt động nhượng tái bảo hiểm không đúng phạm vi được cấp phép.