Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo loại hình nào? Trường hợp nào doanh nghiệp bị đình chỉ kinh doanh?

Tôi có một câu hỏi như sau: Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo loại hình nào? Trường hợp nào doanh nghiệp bị đình chỉ kinh doanh? Tôi mong nhận được câu trả lời sớm. Câu hỏi của chị N.T.T ở Đồng Nai.

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo loại hình nào?

Các loại hình mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập quy định tại khoản 1 Điều 59 Luật Kế toán 2015 như sau:

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo các loại hình sau đây:

a) Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên;

b) Công ty hợp danh;

c) Doanh nghiệp tư nhân.

2. Doanh nghiệp chỉ được kinh doanh dịch vụ kế toán khi bảo đảm các điều kiện kinh doanh theo quy định của Luật này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

3. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán không được góp vốn để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán khác, trừ trường hợp góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam.

4. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

a) Góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán đã được thành lập và hoạt động tại Việt Nam để thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán;

b) Thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài;

c) Cung cấp dịch vụ qua biên giới theo quy định của Chính phủ.

Theo quy định trên, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập theo những loại hình sau:

– Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

– Công ty hợp danh.

– Doanh nghiệp tư nhân.

Trường hợp nào doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh?

Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật Kế toán 2015 như sau:

Đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán và thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán

1. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện quy định tại Điều 60 của Luật này trong 03 tháng liên tục;

b) Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng.

2. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Kê khai không đúng thực tế hoặc gian lận, giả mạo hồ sơ để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán;

b) Không kinh doanh dịch vụ kế toán trong 12 tháng liên tục;

c) Không khắc phục được các sai phạm hoặc vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị đình chỉ;

d) Bị giải thể, phá sản hoặc tự chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán;

đ) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ khác có giá trị tương đương;

e) Làm sai lệch hoặc thông đồng, móc nối để làm sai lệch tài liệu kế toán, báo cáo tài chính và cung cấp thông tin, số liệu báo cáo sai sự thật;

g) Giả mạo, tẩy xoá, sửa chữa Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán bị đình chỉ kinh doanh khi thuộc một trong những trường hợp sau:

– Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện quy định tại Điều 60 của Luật này trong 03 tháng liên tục.

– Có sai phạm về chuyên môn hoặc vi phạm chuẩn mực kế toán, chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế toán gây hậu quả nghiêm trọng hoặc có khả năng thực tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Lưu ý: Trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán không khắc phục được các sai phạm hoặc vi phạm nêu trên trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày bị đình chỉ thì doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.

Khi thay đổi danh sách kế toán viên thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo với Bộ Tài chính trong thời gian nào?

Thời hạn mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo với Bộ Tài chính khi thay đổi danh sách kế toán viên được quy định tại khoản 1 Điều 66 Luật Kế toán 2015 như sau:

Những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính

1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi về một trong các nội dung sau đây, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Tài chính:

a) Danh sách kế toán viên hành nghề tại doanh nghiệp;

b) Không bảo đảm một, một số hoặc toàn bộ các điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán quy định tại Điều 60 của Luật này;

c) Tên, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp;

d) Giám đốc hoặc tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật, tỷ lệ vốn góp của các thành viên;

đ) Tạm ngừng kinh doanh dịch vụ kế toán;

e) Thành lập, chấm dứt hoạt động hoặc thay đổi tên, địa chỉ trụ sở chi nhánh kinh doanh dịch vụ kế toán;

g) Thực hiện việc chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi, giải thể.

Như vậy, khi thay đổi danh sách kế toán viên thì doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán phải thông báo với Bộ Tài chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.